Quảng Nam: Yêu cầu hoàn thành sơ tán người dân trước 9h ngày 27/9
Dự báo hướng đi của bão Noru. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia) |
Ngày 26/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão số 4 (Noru).
Theo báo cáo, về sản xuất nông nghiệp, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Hè Thu năm 2022. Diện tích nuôi trồng khoảng 650ha (thủy sản nước mặn/lợ), chủ yếu nuôi trên cát lót bạt ven biển và lót bạt vùng cao triều, nuôi ven sông đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu để tránh bão.
Đối với tình hình tàu thuyền hiện nay, tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là 87 tàu/2.533 lao động. Trong đó có 18 tàu/213 lao động nằm trong vùng nguy hiểm. Các tàu đã nhận được thông báo về bão Noru và đang di chuyển đến khu vực an toàn.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã lên kế hoạch sơ tán dân ứng phó với bão mạnh và siêu bão, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện sơ tán. Cụ thể, đối với bão mạnh sơ tán 182.280 người, trong đó tại chổ 57.753 người và tập trung 124.700 người. Đối với siêu bão sơ tán 401.901 người, trong đó tại chổ 111.470 người và tập trung 290.585 người.
Trước diễn biến của cơn bão Noru và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành các công điện để chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với bão Noru.
Theo đó, đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, thông tin về diễn biến của cơn bão Noru để mọi người dân được biết cơn bão Noru khi vào biển Đông sẽ là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và khả năng cao ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Nam.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung cho sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn, tối thiểu nhà cấp 3 có sàn bê tông chắc chắn; những nơi không đảm bảo an toàn thì không thực hiện sơ tán đến.
Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch… để đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát lực lượng, kế hoạch hiệp đồng, chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh Quân Khu 5, các lực lượng của Trung ương đứng chân trên địa bàn tăng cường lực lượng về các địa bàn xung yếu trước khi bão đỗ bộ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
Nguồn: Báo lao động thủ đô