Quảng Nam: Xử lý dứt điểm nợ tạm ứng quá hạn, kiểm điểm cá nhân liên quan vào cuối năm
(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thuộc tỉnh, chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước khẩn trương xử lý dứt điểm nợ tạm ứng vốn đầu tư công trước ngày 15/11.
Quảng Nam sẽ khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan Thanh tra, Công an với những nhà thầu có nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp trong việc thu hồi. |
Thu hồi nợ tạm ứng quá hạn trước ngày 15/11
Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 12/7 của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện xử lý dứt điểm nợ tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước; UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thuộc tỉnh, chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước khẩn trương và soát, thực hiện thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các công văn đã nêu. Trong đó, lưu ý việc xử lý thu hồi dứt điểm nợ tạm ứng quá hạn (nợ cũ) và không để phát sinh mới nợ tạm ứng quá hạn.
Chủ đầu tư (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Ban Dân tộc tỉnh; Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) rà soát nợ tạm ứng quá hạn đã được Kho bạc Nhà nước tỉnh báo cáo tại Văn bản số 371/BC-KBQN để khẩn trương thu hồi, xử lý dứt điểm nợ tạm ứng quá hạn.
Ngoài ra các đơn vị phải đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn trước ngày 15/11 (bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan Thanh tra, Công an).
Không để phát sinh mới nợ tạm ứng quá hạn, phân công công việc cụ thể cho cá nhân, tập thể theo dõi chặt chẽ việc tạm ứng vốn đầu tư công, thu hồi vốn tạm ứng, thời hạn thu hồi vốn tạm ứng đảm bảo thực hiện đúng quy định. Các chủ đầu tư đưa vào nội dung kiểm điểm cuối năm, cắt giảm chi thu nhập tăng thêm đối với các cá nhân liên quan trong việc quản lý tạm ứng vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư do địa phương quản lý.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về mức vốn tạm ứng, trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 99 ngày 11/11/2021 của Chính phủ thì phải căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm soát, thanh toán rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo UBND cấp huyện có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn theo quy định tại Nghị định số 99 ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Giao cơ quan Thanh tra huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, có kế hoạch thanh tra đối với các trường hợp tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện quản lý.
Điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư với nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét biện pháp chế tài trong tham gia đấu thầu các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh; điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư… đối với trường hợp nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp thu hồi.
Kho bạc Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ nợ tạm ứng vốn đầu tư công để đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi ngay những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định.
Định kỳ 6 tháng và hàng năm lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng, trong đó phân loại cụ thể số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo. Nêu các lý do, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn và đề xuất biện pháp xử lý gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án thuộc UBND tỉnh quản lý.
Chủ động rà soát danh sách nhà thầu vừa nợ tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn của các dự án, vừa có khối lượng thanh toán của các dự án khác trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin cho các chủ đầu tư để làm việc cụ thể với nhà thầu thống nhất phương án khấu trừ để báo cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh xử lý.
Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư, trong đó phân loại số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi của từng công trình, dự án do khối huyện, xã quản lý cho Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện để tham mưu UBND cấp huyện xử lý theo quy định.
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án thuộc UBND tỉnh quản lý theo quy định.
Thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư thuộc cấp tỉnh quản lý. Thanh tra tỉnh nghiên cứu, có kế hoạch thanh tra đối với các trường hợp tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách Nhà nước; phối hợp với Thanh tra huyện, thị xã, thành phố để tránh trùng lắp đối tượng thanh tra.
Nguồn: Báo xây dựng