Quảng Nam: Người dân chật vật với nước nhiễm bẩn sau lũ lụt

Quảng Nam: Người dân chật vật với nước nhiễm bẩn sau lũ lụt

MTĐT –  Thứ ba, 25/10/2022 15:16 (GMT+7)

Liên tiếp hứng chịu nhiều đợt mưa lũ lớn, các giếng nước của người của người dân ở vùng rốn lũ của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu, ô nhiễm không thể sử dụng.

Sau khi nước lũ rút, người dân ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, huyện Đại Lộc chật vật dọn dẹp nhà cửa, gạt rửa lớp bùn non dày đặc. Điều đáng nói, vì nước lũ ngâm quá lâu nên nhiều giếng nước của người dân bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn, không thể sử dụng.

nuocgieng1.jpg
Sau lũ, nước giếng của người dân ở các vùng rốn lũ huyện Đại Lộc hầu hết đều bị đục ngàu, nhiễm bẩn

Người dân cho biết, trải qua nhiều đợt mưa lũ, bà con đã chủ động dùng nắp đậy hoặc tấm vải nylon bịt miệng giếng đào để bảo vệ nguồn nước. Thế nhưng nước trong giếng vẫn bị đục ngàu và ô nhiễm rất nặng. Theo bà con xã Đại Lãnh, nắp đậy và tấm vải nylon chỉ ngăn được rác, cặn bẩn trôi vào giếng, chứ không thể ngăn chặn nước nước bẩn xâm nhập vào giếng.

Để xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm, bà Huỳnh Thị Hai (55 tuổi), trú xã Đại Lãnh cho biết, nước rút việc đầu tiên là lo dọn dẹp nhà cửa và xử lý nguồn nước. Sau khi tháo bỏ nắp đậy trên miệng giếng, bà đã múc nước dưới giếng dội xung quanh thành giếng làm cho trôi sạch hết đất cát và sàn nền giếng. Cuối cùng bà bỏ thuốc xuống giếng để xử lý nguồn nước cho sạch nhưng vẫn không thể sử dụng được.

nuocgieng3.jpg
Mặc dù đã được xử lý nhưng nước giếng đào vẫn chưa thể sử dụng được

“Hiện tại, tôi được hướng dẫn dùng hóa chất xử lý để có nguồn nước sạch cho gia đình tắm rửa, giặt giũ quần áo. Riêng về nguồn nước phục vụ ăn uống thì phải mua nước lọc bình về sử dụng”, bà Huỳnh Thị Hai chia sẻ.

Không chỉ người dân xã Đại Lãnh mà người dân xã Đại Hưng cũng đau đầu với nguồn nước sinh hoạt. Ông Trần Đắc Chí (53 tuổi), trú xã Đại Hưng cho biết, giếng nước của gia đình ô nhiễm nặng sau đợt mưa lũ.

“Do mạch nước ngầm bị ô nhiễm nên nước sinh hoạt cũng bị nhiễm phèn hoặc nhiễm bẩn theo. Để có nước sinh hoạt, người dân chúng tôi phải tìm mọi cách để khắc phục, lọc lại nguồn nước để có nước sạch. Cứ mỗi khi vào mùa mưa bão, hàng trăm người dân lại rơi vào cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt”, ông Trần Đắc Chí tâm sự.

nuocgieng2.jpg
Bà Hai chỉ dùng nguồn nước bị nhiễm bẩn để rửa tay chân, còn việc ăn uống phải mua nước đóng chai

Bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho rằng, đa số người dân hiện nay đã sử dụng công trình nước sạch của xã rồi nên nguồn nước sạch đảm bảo phục vụ, chỉ còn một số hộ dân sử dụng nước giếng bị nhiễm bẩn, đục sau mưa lũ. Địa phương đã cử cán bộ Y tế xã cung cấp hóa chất để xử lý để người dân tắm giặt, tưới nước cho cây trồng.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Hiện nay số giếng đào của bà con trên địa bàn huyện bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn do đợt mưa lũ vừa qua gây ra thì UBND huyện Đại Lộc đang thống kê nên không có số liệu cụ thể chính xác. Ngay sau khi lũ rút, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là yêu cầu các địa phương triển khai vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước nhiễm bẩn bằng viên khử trùng, đồng thời hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa, các vật dụng sinh hoạt bị ngập nước.

nuocgieng4.jpg
Cứ mỗi lần lũ đi qua, hàng trăm người dân lại rơi vào cảnh “khát” nước sạch

“UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo cho các Trung tâm y tế huyện, xã xuống hỗ trợ cho các hộ dân ở xã Đại Hưng, Đại Lãnh và các xã trên địa bàn huyện bị ngập nước sâu trong đợt mưa lũ để phục hồi lại các giếng nước. Hiện nay các lực lượng chức năng đang đi hỗ trợ cho bà con.” – ông Quang cho hay.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích