Quảng Nam họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Theo UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%; nguyên nhân ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.
Vì sao Quảng Nam tăng trưởng âm trong năm 2023?
Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) 112,5 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8% (công nghiệp chiếm 24%); dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%.
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 21,7% (công nghiệp giảm 24,3%). Ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 25,2% so với năm 2022; trong đó: IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-26,8%), riêng IIP sản xuất xe có động cơ (-40,3%). Sản lượng sản xuất ô tô các loại năm 2023 ước đạt hơn 68 nghìn chiếc (-45%; -55,4 nghìn chiếc); sản lượng ô tô tiêu thụ các loại cả năm 2023 ước đạt 75,4 nghìn chiếc (-36%; -43,3 nghìn chiếc).
Điểm sáng của kinh tế Quảng Nam trong năm 2023 đến từ ngành thương mại – dịch vụ khi tốc độ tăng trưởng đạt hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên 34.855 tỷ đồng và chiếm 31% GRDP. Tổng vốn đầu tư công năm 2023 hơn 10.026 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 gần 8.552 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài 1.474 tỷ đồng. Ước giải ngân đầu tư công năm 2023 khoảng 7.137 tỷ đồng, đạt 71%, trong đó kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân 6.030 tỷ đồng, đạt 71%; kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2023 giải ngân 1.107 tỷ đồng, đạt 75%.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng, tổng vốn đầu tư năm 2023 trên toàn tỉnh tương đối lớn. UBND tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân chưa đạt bởi một số nguyên nhân chủ yếu như do hồ sơ thủ tục của một số chủ đầu tư triển khai chậm; năm nay vướng giá cả về nguyên vật liệu, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng, có sự tăng giá đột biến làm cho chủ đầu tư, các đơn vị thi công càng làm càng lỗ; công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Trong năm 2023, Quảng Nam đã cấp mới 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 1.917 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 1.138 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 225 nghìn tỷ đồng. Cấp mới 03 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 23,58 triệu USD; đến nay số dự án FDI còn hiệu lực là 193 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và HĐND tỉnh thông qua, hiện UBND tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2023.
Theo đó, Quảng Nam chọn hướng đi theo hướng phát triển bền vững, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng và khi hệ thống hạ tầng tốt thì làm cho quỹ đất tăng giá trị. Do đo, Quảng Nam sẽ tập trung cho công tác này rồi mới thực hiện kêu gọi đầu tư.
Phấn đấu đưa Quảng Nam trở lại đà tăng trưởng trong năm đến
Theo UBND tỉnh, trong năm 2024, Quảng Nam dự kiến đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5 – 8%; tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm trên 30%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 20.100 tỷ đồng; phấn 1) đấu có thêm ít nhất 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 137 xã/193 xã, đạt tỷ lệ 71%,…
Để thực hiện đạt những chỉ tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra như tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thực hiện các quy hoạch; thực hiện quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường phân cấp, ủy quyền. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm do các Đoàn Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán đã chỉ ra; tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt các tỉnh của Lào; chú trọng hợp tác với các đối tác, địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,…