Quảng Nam: Giám sát chặt lĩnh vực tài nguyên – môi trường
Quảng Nam: Giám sát chặt lĩnh vực tài nguyên – môi trường
Ngành TN-MT phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, biển đảo, đo đạc và bản đồ…, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Ngày 21-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng tại buổi làm việc hôm 14-9 với cán bộ quản lý và công chức, viên chức ngành tài nguyên – Môi trường (TN-MT) về một số vấn đề trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Theo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN-MT rất rộng. Đây là ngành đặc thù, nhạy cảm, phức tạp. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, các văn bản quy định pháp luật thay đổi qua nhiều thời kỳ; các vấn đề tồn tại để lại gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.
Thời gian qua, các cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành TN-MT đã có nhiều nỗ lực, tận tuỵ, cố gắng phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, từng bước khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ở một số địa phương, Người dân còn phán ánh việc chậm trễ, phiền hà trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý biến động đất đai và một số thủ tục về quyền của người sử dụng đất; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cũng còn một số bất cập…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngành TN-MT khẩn trương củng cố lại tổ chức bộ máy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, phòng, đơn vị trực thuộc; thực hiện việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch cán bộ quản lý theo quy định. Kiện toàn các chức danh trưởng, phó tại mỗi đơn vị (nhất là chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện phải có giám đốc và ít nhất 1 phó giám đốc) để đáp ứng nhiệm vụ được giao và bàn bạc, trao đổi trong việc giải quyết công việc, hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền của cấp trưởng đơn vị nhằm tránh sai sót có thể xảy ra.
Ngành TN-MT phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, biển đảo, đo đạc và bản đồ…, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Xây dựng quy trình, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính rõ ràng về thời gian thực hiện của các bộ phận có liên quan và phải kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy trình đã ban hành, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Ông Lê Văn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan điều tra và ủy ban kiểm tra cấp tỉnh và huyện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực TN-MT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các hành vi cố tình vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để vụ lợi. Đối với các vi phạm không cố ý, do chồng chéo, bất cập trong quy định của pháp luật thì có thể xem xét, rút kinh nghiệm.
Chủ tịch UBND và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN-MT trên địa bàn.
Trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản, đối với những giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn mà trước đây thủ tục chưa đảm bảo quy định thì UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở TN-MT hướng dẫn xác lập lại hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để cấp phép nhưng phải thực hiện nhanh chóng, không để gây ách tắc nguồn cung cấp vật liệu thi công các công trình, dự án…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phê bình Chủ tịch UBND huyện Tây Giang không quan tâm phân công lãnh đạo UBND huyện tham dự cuộc họp; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới phải phân công lãnh đạo tham dự các cuộc họp với UBND tỉnh đúng thành phần.
Ngọc Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị