Quảng Nam: Đến năm 2025 ngành Du lịch cần khoảng 23.000 lao động

Quảng Nam: Đến năm 2025 ngành Du lịch cần khoảng 23.000 lao động
Biểu diễn bài chòi đón khách du lịch đến phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: Văn Luận)

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng lao động ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam từ năm 2023 đến năm 2025.

Theo UBND tỉnh, 2 năm qua (2020 – 2021), ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh; doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.

Tuy nhiên, sau những hoạt động nỗ lực phục hồi ngành du lịch, kết quả hoạt động du lịch lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 có diễn biến khả quan, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 4.288.500 lượt khách, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, tổng số lao động ngành Du lịch đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch hiện có khoảng 11.000 lao động, giảm hơn 40% so với năm 2019 (18.000 lao động).

Lực lượng lao động nòng cốt tại các doanh nghiệp gồm các cấp quản lý, trưởng bộ phận hoặc nhân viên có kinh nghiệm và đã qua đào tạo được doanh nghiệp giữ hoặc quay lại làm việc chiếm khoảng 40% tương đương khoảng 4.000 người. Lao động còn lại các doanh nghiệp sau khi mở cửa hoạt động đều phải tuyển lao động lại và tự đào tạo tại chỗ,…

UBND tỉnh dự báo, đến năm 2025, ngành du lịch cần có khoảng 23.000 lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch. Trong đó, lực lượng nòng cốt tại các đơn vị kinh doanh du lịch chiếm khoảng 30% tương đương 6.900 người.

Ngoài ra, nhu cầu lao động cần đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ kể cả lao động doanh nghiệp tự đào tạo để đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch cần khoảng 16.100 người.

Chính vì vậy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng lao động ngành du lịch tỉnh Quảng Nam từ năm 2023 đến năm 2025.

Theo đó, tổng kinh phí đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch là 13,240 tỷ đồng. Trong đó, xã hội hóa là 10,450 tỷ đồng, còn lại ngân sách nhà nước.

Mục đích ban hành kế hoạch nhằm phát triển nguồn lao động du lịch đảm bảo về số lượng và chất lượng, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch, các dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao vai trò, kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hướng tới mục tiêu chuẩn hóa chất lượng đào tạo kỹ năng nghề du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Văn Luận

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích