Quảng Nam: Con đường trăm tỷ “đứng bánh”, dân “đi chui” lòng hồ thủy điện

Quảng Nam: Con đường trăm tỷ “đứng bánh”, dân “đi chui” lòng hồ thủy điện

Đinh Nga –  Thứ sáu, 10/03/2023 15:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được đầu tư 120 tỷ đồng để làm đường DH8 vào Trung tâm xã Trà Bui nhưng hơn 2 năm qua, dự án vẫn đang còn dang dở, gây khó khăn đi lại cho người dân. Tiền không thiếu, mặt bằng sẵn sàng, nhưng vì sao dự án thi công trễ hạn, trách nhiệm này thuộc về ai?

Tháng 6/2022, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đến công tác tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), từng phản ánh về việc nhà thầu thi công tuyến đường DH8 vào xã Trà Bui, nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số Ca Dong và Mơ Nông chậm tiến độ, phát sinh bùn lầy, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương.  https://www.moitruongvadothi.vn/quang-nam-con-duong-vao-trung-tam-xa-vung-cao-hon-100-ty-i-ach-den-bao-gio-a104142.html

Đầu tháng 3/2023, thời điểm dự án đã hoàn thành theo tiến độ hợp đồng ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư, trở lại xã Trà Bui, thật bất ngờ khi tuyến đường DH8 vẫn còn dang dở như xưa. Có chăng, điều khác biệt là toàn bộ máy móc, nhân công trên toàn tuyến đã rút đi hết, đường bị băm nát bởi hàng trăm ổ voi cùng với nhiều điểm sạt lở khiến cho các phương tiện lưu thông rất vất vả.

tm-img-alt
Tuyến đường DH8 vào trung tâm xã Trà Bui xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các phương tiện lưu thông qua tuyến này bằng xe máy, còn ô tô thì phải loại 2 cầu mới vào được, các xe tải trọng nặng chở keo cày xới nát mặt đường chưa được thảm nhựa khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Cung đường chỉ gần 40km mà chúng tôi phải đánh vật gần 2 giờ đồng hồ mới vào đến Trung tâm xã Trà Bui.

Phản ánh với phóng viên, ông Lê Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, không hiểu vì lý do gì mà các đơn vị thi công tuyến đường DH8 làm cầm chừng từ tháng 7/2022 đến nay chưa xong thì dừng hẳn, rồi rút đi khỏi dự án.

tm-img-alt
Đường DH8 vào trung tâm xã Trà Bui xuất hiện nhiều ổ voi, gây cản trở giao thông.

Cũng theo ông Cường, HD8 là tuyến độc đạo dẫn vào trung tâm xã Trà Bui, nơi có hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo sinh sống, nhất là số di dân vùng Tái định cư Dự án thủy điện Sông Tranh đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi thủy điện Sông Tranh vào xây dựng khu tái định cư, di dời bà con vào đây mới mở rộng con đường này và rải cấp phối, thâm nhập thảm nhựa. Về lâu dài, đường xuống cấp, hư hỏng nặng, từ năm 2020, nhà nước đầu tư, nâng cấp lại tuyến đường này khiến người dân ai cũng mừng.

Nhưng hơn 2 năm nay, đường làm rất chậm, vào mùa mưa, đường sạt lở, lầy lội, hầu như xe ô tô không vào được, xe máy đi lại khó khăn. Cũng vì điều này mà nhu yếu phẩm vận chuyển vào đến UBND xã đội giá lên rất cao. Còn nông sản người dân sản xuất thì không lưu thông xuất bán được; phần đông dân là hộ nghèo, đời sống đã khó khăn còn khó gấp bội.

tm-img-alt
Mùa mưa, tuyến DH8 vào Trung tâm xã Trà Bui lầy lội, khó đi (ảnh do người dân cung cấp)

Điều đáng lo nhất là khi thiên tai xảy ra, giao thông bị cô lập, việc cấp cứu người ốm, cung cấp và cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm phải trông cả vào tuyến đường thủy băng qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh với 2 chiếc ghe tư nhân lưu thông chở người và hàng từ xã ra đến tuyến quốc lộ 40B (đoạn gần đập Thủy điện Sông Tranh).

Phản ánh với phòng viên, anh Hồ Văn Thọ (30 tuổi) người dân Khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh ở thôn 5 xã Trà Bui cho biết, vào mùa mưa, đường DH8 rất khó đi, bà con phần lớn sử dụng ghe của 2 hộ dân ở đây là ông Huy và ông Lưỡng để di chuyển từ xã về huyện và ngược lại. Mỗi lần đi như vậy là khoảng 45 phút, chủ ghe thu phí 30.000 đồng/người và 30.000 đồng/xe máy, số tiền khá lớn so với mức thu nhập của bà con nơi đây.

tm-img-alt
Vào mùa mưa, người dân xã Trà Bui di chuyển bằng ghe băng qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh để về huyện Bắc Trà My (ảnh do người dân cung cấp)

Sáng 7/3, đoàn công tác lãnh đạo huyện Bắc Trà My có chuyến khảo sát thực địa đường DH8 và làm việc với xã Trà Bui về phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tại đây, trao đổi với ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My về việc thi công tuyến đường DH8 được biết, đến thời điểm này đã là quá  hạn thi công 2 tháng trong hợp đồng nhà thầu ký kết với chủ đầu tư (từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2023).

Cũng theo ông Toại, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn– Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đảm nhận, mới đạt khoảng 34,5% giá trị hợp đồng. Hiện nay, các đơn vị thi công đã rút toàn bộ máy móc ra khỏi công trình. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Bắc Trà My đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Kế hoạch Đầu tư về tiến độ dự án.

tm-img-alt
Đơn vị thi công đã rút toàn bộ máy móc, phương tiện ra khỏi công trình, để lại tuyến đường DH8 lầy lội, khó đi.

Hiện nay, văn bản cuối cùng của Chủ tịch UBND huyện ký ban hành ngày 28/2, gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin dừng dự án. Trước khi triển khai văn bản này, chủ đầu tư cũng đã làm việc với nhà thầu và họ cũng đã thống nhất là làm không nổi nữa. Tuy nhiên, việc dừng này phải được sự thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam”, ông Toại cho hay.

Khi được hỏi về việc bao giờ dự án mới tiếp tục được triển khai, ông Trần Toại cho biết, khi UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho dừng dự án thì chủ đầu tư là UBND huyện mới tính đến các bước tiếp theo là tổ chức đấu thầu lại, chọn đơn vị thi công khác.

Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo cho BQL Dự án – Quỹ đất huyện Bắc Trà My phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư vấn, giám sát, tư vấn thiết kế, kiểm tra lại khối lượng họ đã làm được, kiểm tra lại biên bản nghiệm thu cơ sở, nhật ký công trình… để xem liên danh nhà thầu Thanh Sơn – Thái Dương vi phạm những gì, xử lý như thế nào. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, huyện Bắc Trà My có nêu ra ý kiến về việc chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ngồi lại, kiểm tra các điều khoản trong hợp đồng, quy định pháp luật về đầu tư. Sau khi UBND tỉnh có văn bản thống nhất cho dừng, 2 bên sẽ rà soát, làm rõ các nội dung liên quan…”, ông Toại thông tin thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc “đứng bánh” thi công dự án đường giao thông đến Trung tâm xã Trà Bui (đường DH8) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Trà Bui – xã vùng sâu, vùng xa nhất huyện Bắc Trà My. Bởi mục tiêu của dự án này cũng nêu rõ là “Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giảm thiểu tai nạn giao thông và phục vụ cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân các xã Trà Bui, Trà Đốc huyện Bắc Trà My khi có thiên tai xảy ra, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương

Thực tế là vào mùa mưa, khi xảy ra sạt lở, ách tắc trên tuyến DH8, người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải di chuyển bằng ghe băng qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Thế nhưng, việc 2 ghe tư nhân chở người và phương tiện lâu nay hoạt động trên lòng hồ phục vụ người dân là tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và cũng chưa có luồng tuyến, bến bãi vận hành.

tm-img-alt
Đường DH8 chậm thi công, người dân xã Trà Bui sử dụng phương tiện ghe di chuyển qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh để về huyện Bắc Trà My.

Về vấn đề này, ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Về cấp phép hoạt động tàu, thuyền vận hành trên đập thủy điện thì thuộc thẩm quyền của tỉnh. Hiện nay, khó cho bà con xã Trà Bui là đường DH8 hư hỏng, nếu nắng lên thì sửa chữa đi tạm, còn mưa liên tục thì không đi được, phải chấp nhận sử dụng tạm phương tiện đường thủy qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Thêm nữa, các ghe thuyền này chỉ hoạt động được khi mực nước dâng cao, còn lúc nhà máy thủy điện xả nước phát điện, lòng hồ cạn nước thì cũng không lưu thông được.”

tm-img-alt
Việc vận chuyển người và phương tiện bằng ghe trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Việc đầu tư hơn 100 tỷ đồng làm đường DH8 vào trung tâm xã Trà Bui là chủ trương hết sức đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa chủ trương này đã không được chủ đầu tư là UBND huyện Bắc Trà My và nhất là liên danh nhà thầu Thanh Sơn – Thái Dương triển khai đúng như mong đợi của người dân.

Vì sao nhà thầu không thực hiện đúng như hợp đồng ký  kết? Trách nhiệm của đơn vị giám sát, chủ đầu tư ở đâu khi để xảy ra sự việc này? Đến bao giờ con đường DH8 được thi công hoàn thành để người dân không phải “đi chui” qua lòng hồ thủy điện?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích