Quảng Bình: Thi công cải tạo vỉa hè làm sập kè sông Kiến Giang

(Xây dựng) – Dự án cải tạo vỉa hè, chỉnh trang đô thị thị trấn Kiến Giang, (Lệ Thủy, Quảng Bình) triển khai thi công đã làm một đoạn bờ kè sông Kiến Giang bị đổ sập xuống sông khiến người dân rất lo lắng.

quang binh thi cong cai tao via he lam sap ke song kien giang
Hơn 60m kè sông bị đổ sập xuống lòng sông.

Chỉnh trang đô thị làm sập kè sông

Quá trình thi công Dự án cải tạo vỉa hè thị trấn Kiến Giang, đoạn từ UBND huyện Lệ Thủy kéo dài đến Công an huyện, bất ngờ xảy ra hiện tượng sập đổ kè sông Kiến Giang, với chiều dài hơn 60m. Nhiều người dân lân cận cho biết: Khoảng 3h chiều ngày 20/7, trong khi đơn vị thi công đổ cát, gạt và lóng nền khu vực dự tính sẽ lát đá vỉa hè, thì bất ngờ đoạn tuyến kè sông ngay sát cạnh bị đổ sập. Sóng nước làm nhiều thuyền bè của người dân bị hất tung lên bờ, cá tôm, thủy sản cũng bị ảnh hưởng.

Sau khi đoạn tuyến kè sông bị sập đổ, chủ đầu tư là UBND thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đã bắt buộc phải dừng thi công, che chắn đoạn kè sập bằng bạt, tiến hành đánh giá sự cố công trình và lên phương án giải quyết tạm thời sự việc.

Ông Trần Công Thoán – Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) cho biết: Dự án cải tạo vỉa hè, chỉnh trang đô thị đoạn trước trụ sở UBND huyện Lệ Thủy được khởi công vào đầu tháng 7/2022, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ 150 triệu đồng. Do Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Phương Đông (xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy) đảm nhận thi công. Ngày 20/7, khi đã múc xong lớp đá lát vỉa hè cũ, đơn vị thi công tiến hành đổ cát vào khu vực sẽ lát đá vỉa hè, thì chiều cùng ngày, xảy ra sự cố đổ sập tuyến kè sông lân cận, với chiều dài hơn 60m. Ngay sau đó, chúng tôi bắt buộc phải dừng thi công, báo cáo UBND huyện về nội dung này. Từ đó đến nay, công tác xử lý đang được bàn bạc, thống nhất, để báo cáo lại Thường trực Huyện ủy Lệ Thủy.

Về lý do gây sập đổ, ông Trần Công Thoán cho hay: Tuyến kè sông này đã được thi công hàng chục năm, chịu tác động của thiên tai thời tiết, có những hư hỏng bên trong mà không phát hiện được. Cùng đó, khi thi công cải tạo vỉa hè đã có những tác động nhất định, dẫn đến sự cố trên. Việc này, đang được phòng Kinh tế – Hạ tầng đánh giá lại nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp.

Trách nhiệm của đơn vị thi công

Đã hơn 10 ngày sau khi tuyến kè bị đổ sập, trên thực địa công tác thi công vỉa hè, cũng như khắc phục hơn 60m kè sông bị sập đổ đang đình trệ khiến người dân tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang và tổ dân phố Phong Giang, xã Phong Thủy rất lo ngại về phương án khắc phục công trình hư hỏng này.

Ông Hoàng Đình Ngọc, tổ dân phố Xuân Giang (thị trấn Kiến Giang) cho hay: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 đã cận kề. Vị trí kè sông bị sập lại ngay sát UBND huyện, đây là vị trí có nhiều quan khách và nhân dân có mặt, theo dõi lễ hội đua thuyền. Do vậy, lãnh đạo thị trấn Kiến Giang và UBND huyện Lệ Thủy cần sớm có giải pháp để khắc phục đoạn tuyến kè sông này, không để mất mỹ quan và an toàn hơn cho người dân khi tham gia lễ hội.

quang binh thi cong cai tao via he lam sap ke song kien giang
Vị trí xảy ra sự cố ngay sát UBND huyện Lệ Thủy và cầu Phong Xuân.

Lãnh đạo phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lệ Thủy, ông Dương Đức Nghĩa cho biết: Việc cải tạo vỉa hè, gây sập đổ kè sông Kiến Giang, trách nhiệm đầu tiên là ở chủ đầu tư và đơn vị thi công, vì đã không đánh giá đúng, sát hiện trạng khu vực thi công, cũng như có biện pháp bảo vệ công trình lân cận, đã có trước đó.

Đối với đơn vị quản lý dự án và giám sát thi công, đã quản lý, giám sát thi công chưa đảm bảo để đơn vị thi công thi công sai sót, không kịp thời đề nghị chủ đầu tư tạm dừng thi công khi nhận thấy công trình kè sông Kiến Giang có biểu hiện hư hỏng, dẫn đến mất an toàn cho công trình.

Ngay sau sự cố, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng phối hợp với các đơn vị kiểm tra, đánh giá đúng nguyên nhân cũng như phương án khắc phục khẩn cấp. Hiện, biện pháp được đề xuất để khắc phục sớm đoạn kè sông này là đơn vị thi công gây hư hỏng phải chịu trách nhiệm, bồi thường bằng việc đặt mua khối lượng lớn rọ đá và bố trí xe máy, nhân lực thi công lắp đặt nhằm hạn chế sự xâm thực của lòng sông, đảm bảo cảnh quan cho ngày lễ hội, cũng như không để sạt lở đất tiếp diễn khi mùa mưa đến.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích