Quảng Bình: Thành lập nhiều tổ công tác để đốc thúc các dự án đầu tư công chậm tiến độ
(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký ban hành Quyết định thành lập 3 tổ công tác liên ngành đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.
Dự án đường từ Quốc lộ 1A đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỷ lệ giải ngân rất thấp, chậm hoàn thành trong nhiều năm. |
Theo đó, tổ công tác số 1 do ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp theo dõi các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND thành phố Đồng Hới, UBND các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình.
Tùy theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác, tổ trưởng quyết định mời thêm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham gia.
Tổ công tác số 2 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong làm Tổ trưởng, trực tiếp theo dõi các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC), Ban Dân tộc; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, UBND thị xã Ba Đồn, UBND các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng – giai đoạn 2, Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình.
Tổ công tác số 03 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng làm Tổ trưởng, trực tiếp theo dõi các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện: Bố Trạch và Quảng Trạch, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh.
Các tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh theo danh mục các dự án từ thời điểm thành lập đến ngày 31/12/2022.
Ngoài ra, tổ công tác rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, điều phối với các Sở, ngành, địa phương để kịp thời giúp đỡ, giải quyết các khó khăn, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân đầu tư công.
Với việc thành lập các tổ công tác, UBND tỉnh Quảng Bình mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời xác định điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng đơn vị, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra các dự án ODA lĩnh vực môi trường – hạ tầng đô thị triển khai tại thành phố Đồng Hới. |
Trước đó tại các cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cũng nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đến thời điểm hiện nay vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch vốn đã bố trí trong năm.
Hàng loạt nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021, 2022 đạt thấp đã được chỉ ra, trong đó có các nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng cao; vẫn còn không ít dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai như Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, giải ngân đạt tỷ lệ 0% so với kế hoạch vốn giao; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 – Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình chỉ giải ngân 4,3%; Dự án đường từ Quốc lộ 1 đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ giải ngân đạt tỷ lệ 9,1% so với kế hoạch vốn giao.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp cũng đã được UBND tỉnh chỉ rõ chủ yếu đến từ các nguyên nhân chủ quan. “Nút thắt” lớn nhất khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp trong thời gian qua chính là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nguồn: Báo xây dựng