Quảng Bình: Tăng cường khả năng tiêu thoát nước, chống ngập tại các khu đô thị
(Xây dựng) – Sở Xây dựng Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch về bảo đảm thoát nước, chống úng ngập đối với khu vực hạ tầng kỹ thuật đô thị mùa mưa năm 2022.
Điểm ngập úng tại tuyến đường Hữu Nghị, thành phố Đồng Hới. |
Theo dự báo tình hình úng ngập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong mùa mưa năm 2022, với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/h, các tuyến phố không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Kế hoạch số 1639/KH-SXD (ĐTHT) nhằm phát huy hiệu quả việc tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ hơn 150mm/h; giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ về mức độ ngập và thời gian úng ngập.
Theo đó, Sở Xây dựng Quảng Bình đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế, các chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông; kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hòa thoát nước; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê…).
Phần tiếp giáp giữa các khu dân cư hiện hữu với các khu đô thị mới, khu dân cư mới, các dự án mới đang triển khai phải khai thông và bố trí các tuyến cống thoát nước địa hình để đảm bảo chống ngập lụt cục bộ. Các khu dân cư cũ có nền hiện trạng thấp, cần đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ngập úng, xây dựng lộ trình để từng bước nâng cao độ nền hiện trạng để giải quyết vấn đề ngập úng về lâu dài, như tăng khẩu độ cống thoát nước. Đặc biệt, cần lưu ý đầu tư đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, kết nối trực tiếp với hệ thống thoát nước chung của đô thị, khu công nghiệp.
Cử tri phường Phú Hải đề nghị chính quyền quản lý chặt quy hoạch xây dựng, đặc biệt là cao độ nền tại vị trí tiếp giáp các khu đô thị mới. |
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh, đường dây thông tin liên lạc triển khai công tác ứng trực giải quyết sự cố suốt mùa mưa. Kiểm tra, chằng, chống cây xanh, chặt hạ sớm cây gãy đổ; kịp thời sửa chữa các hư hỏng của hệ thống chiếu sáng, đường dây thông tin liên lạc, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn.
Được biết, khu vực thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) với diện tích hơn 155km2, dân số hơn 160.000 người, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nên việc tiêu thoát nước tại nhiều khu đô thị mới còn hạn chế.
Như tại phường Đức Ninh Đông, dân số trên 1.300 hộ với hơn 6.100 khẩu. Các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hình thành trước năm 2016, hầu như không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (cống R3). Chỉ bắt đầu từ cuối năm 2016 trở đi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới được đầu tư đồng bộ. Kéo theo việc mật độ dân số đông, thiếu hệ thống thu gom nước thải đô thị, người dân đành chấp nhận đổ nước thải ra bề mặt.
Ông Lê Anh Đức – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: Để từng bước khắc phục tình trạng ngập úng ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, hàng năm tỉnh đều dành kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại các tuyến đường trọng điểm, tuyến cống bị hỏng. Việc nạo vét bùn trong hố ga, cống hộp; kiểm tra, sửa chữa hệ thống cống, các hố ga thoát nước, thay thế các nắp ga, ghi chắn rác bị mất, hỏng; xử lý không để ngập úng nội thị kéo dài. Hàng năm, đơn vị phụ trách vệ sinh môi trường và phát triển đô thị đã tiến hành nạo vét bùn trong hệ thống cống rãnh với gần 2.000m3 bùn đất.
Nguồn: Báo xây dựng