Quảng Bình: Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2021 – 2030

(Xây dựng) – Ngày 24/01/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030.

Quảng Bình: Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030
Với Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí sẽ thu hút, kêu gọi nhiều đầu tư phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030 xây dựng trên diện tích 124.832,55ha, được UBND tỉnh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững tại Quyết định số 3220/QĐ-UBND ngày 08/10/2021. Thời gian thực hiện giai đoạn đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; xây dựng các tuyến, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Giai đoạn từ năm 2024 – 2025, lượng khách du lịch đến tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tăng bình quân tối thiểu 12,5%. Đến năm 2025, số lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác có hiệu quả tất cả các sản phẩm du lịch nêu trong Đề án, ưu tiên các loại hình khám phá thiên nhiên, hang động, nghỉ dưỡng, giải trí… mang tính khác biệt, đạt đẳng cấp quốc tế, tương xứng với tài nguyên du lịch của Di sản thiên nhiên thế giới. Số lượng du khách đến Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đạt khoảng 3 triệu lượt, đưa tổng doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng.

Tổng kinh phí để thực hiện Đề án là 1.253.296 triệu đồng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư thông qua việc liên kết, cho thuê môi trường rừng, nguồn vốn ngân sách và vốn hợp pháp khác.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích