Quảng Bình: Phấn đấu hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi

(Xây dựng) – Các huyện, xã xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đa phần phát triển kinh tế dựa trên sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện tiêu chí giao thông và thủy lợi có vai trò quan trọng.

quang binh phan dau hoan thien ha tang giao thong thuy loi
Công tác làm đường giao thông và nâng cấp tuyến kè dọc sông Kiến Giang.

Đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh

Ông Nguyễn Quốc Út – Chi cục trưởng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các xã xây dựng NTM của địa phương có bước phát triển mạnh trong những năm qua.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, Chiến dịch Giao thông thủy lợi… đã huy động, thu hút đông đảo người dân, DN, tổ chức tham gia hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi. Nhờ đó, nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, làm mới, không chỉ làm diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất, giao thương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.

Ông Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Nhu cầu nâng cấp, mở rộng đường, cầu giao thông nông thôn tăng liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới. Vì vậy, huyện tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để hoàn thiện các công trình giao thông nhằm tăng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa trên các tuyến giao thông nông thôn từ 2 m lên 3,5 – 4 m. Từ đầu năm đến nay, huyện đã sửa chữa 5 cây cầu nông thôn; sửa chữa, nâng cấp 7,5 km và làm mới 6,8 km đường giao thông nông thôn, có chiều rộng từ 3 – 4 m.

Theo ông Hoàng Kim Hoan – đại diện Công ty TNHH Hoàng Hưng (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy): Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại huyện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Ðể đảm bảo tiến độ, huyện yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Nhờ đó, trong số 7 công trình giao thông chuyển tiếp từ năm 2020 và khởi công mới năm nay của đơn vị, thì hiện 4 công trình đã hoàn thành chờ nghiệm thu đưa vào sử dụng, số còn lại đang thi công đạt từ 30 – 80% khối lượng. Nhìn chung, hệ thống giao thông các xã đồng bộ theo quy hoạch, đảm bảo tiêu chí NTM của địa phương.

Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Theo nhận định của lãnh đạo một số xã, mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhưng sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, giao thông, thủy lợi vẫn là những tiêu chí khó để đạt và giữ vững.

Bởi đây là tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của Nhà nước nên chưa tích cực cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trong đó có tiêu chí giao thông, thủy lợi.

Ðặc biệt, việc triển khai thực hiện tiêu chí này đòi hỏi sự khéo léo, tâm lý từ chính quyền địa phương vì ảnh hưởng đến đất đai, quyền lợi trực tiếp của nhiều người dân…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi cần có định hướng, lộ trình rõ ràng để đáp ứng theo yêu cầu phát triển trong tình hình mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Thuận Văn – Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy nhấn mạnh: Phần lớn người dân nhận thức xây dựng NTM nói chung và hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi nói riêng mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, để có sự hưởng ứng của người dân thì cần phải tuyên truyền, vận động sâu rộng qua việc đẩy mạnh cuộc vận động “Chung sức cùng cả nước xây dựng NTM” và phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng đường đẹp ngõ đẹp, hiến đất để mở đường giao thông”…

Ðặc biệt, các huyện, xã khi triển khai công trình giao thông, thủy lợi phải họp dân để người dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng nhau bàn bạc việc nào nên làm, không nên làm; việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau…

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích