Quảng Bình: Hơn 7.000 phương tiện tàu, thuyền đã vào khu neo đậu tránh, trú bão số 4

(Xây dựng) – Tính đến sáng 19/9, địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 7.313 phương tiện tàu, thuyền đã vào khu neo đậu tránh, trú bão số 4, sẵn sàng các phương án di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Quảng Bình: Hơn 7.000 phương tiện tàu, thuyền đã vào khu neo đậu tránh, trú bão số 4
Có khoảng 7.313 phương tiện tàu, thuyền tại Quảng Bình đã vào khu neo đậu tránh, trú bão số 4.

Theo báo cáo nhanh vào lúc 6h ngày 19/9 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình về tình hình triển khai công tác ứng phó với bão số 4. Dự báo diễn biến bão (trong 24h tới): 16h ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 N-107,2E; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam; gió cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây, khoảng 20-25km/h. Đến 4h ngày 20/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 N-105,1E trên khu vực trung Lào, dưới cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/h, suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Vùng biển tỉnh Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh. sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động mạnh. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác trên vùng biển tỉnh Quảng Bình đều có nguy cơ chịu tác động gió mạnh, sóng lớn, nên cần chú ý phòng tránh.

Từ ngày 19/9 đến đêm 20/9, tại khu vực Quảng Bình khả năng xảy ra một đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cụ thể như sau: Huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa từ 130-280mm, có nơi trên 380mm; huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới từ 140-290mm, có nơi trên 390mm; huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy từ 150-300mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá; vùng núi các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông; các khu đô thị.

Toàn tỉnh Quảng Bình có trên 152 hồ chứa nước thủy lợi và 2 hồ chứa thủy điện: Dung tích hiện tại của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến 17h ngày 18/9 đạt 28% dung tích thiết kế (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 35 hồ chứa thuỷ lợi lớn, vừa: Dung tích trung bình đạt 20% dung tích thiết kế).

Thủy điện Hố Hô, tại thời điểm 5h ngày 19/9: Lưu lượng về hồ: 12m3/s; lưu lượng qua tràn: 0m3/s; lưu lượng qua máy: 28m3/s; cao trình nước thượng lưu: 61.83/70.00m; cao trình nước Hạ lưu: 22.5m; khu vực nhà máy không mưa. Thủy điện La Trọng: Chưa tích nước hoạt động.

Hiện, diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu toàn tỉnh khoảng 15.519,1ha, đã thu hoạch xong. Diện tích rau màu đang sản xuất: Rau các loại 650ha; khoai 100ha; sắn 6.700ha. Nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.836ha. Số lồng, bè nuôi 2.152 lồng, bè. Số lượng gia súc, gia cầm: Trâu 30.900 con; bò 92.000 con; lợn 265.000 con; gia cầm các loại 5,2 triệu con.

Quảng Bình: Hơn 7.000 phương tiện tàu, thuyền đã vào khu neo đậu tránh, trú bão số 4
Sẵn sàng phương án di dời 45 hộ dân/73 nhân khẩu tại đồi Phòng không xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 7.313 phương tiện tàu thuyền/18.979 lao động. Neo đậu tại bến: 7.313 phương tiện. Số liệu báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình: Tổng số tàu: 43 Tàu (03 tàu biển; 40 tàu VR-SB; 219 thuyền viên). Trong đó: Khu vực Hòn La: Tổng số 17 phương tiện và 75 thuyền viên (2 tàu biển; 15 VR-SB). Khu vực cửa Gianh: Tổng số 26 phương tiện và 144 thuyền viên (1 tàu biển; 25 VR-SB).

Trước đó, ngày 17/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công điện về việc ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn sẵn sàn ứng phó với diễn biến mưa bão. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện cấm biển bắt đầu từ 0h ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhà yếu trước gió bão; triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi Phòng không xã Đức Hóa, sạt lở thôn 5 thị trấn Quy Đạt, thôn Rục xã Hồng Hóa…). Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn; rà soát, kiểm tra và thanh thải vật cản dòng chảy trên sông, suối, nhất là ở các tràn xả lũ hồ chứa, khu vực quanh các cầu giao thông; chỉ đạo hệ thống thuyền thanh cơ sở cập nhật và diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn để người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc Nam, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, kè biển Quảng Phúc; kè biển Nhật Lệ Quang Phú, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2… chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho công trình và người lao động.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích