Quảng Bình hội tụ đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch của khu vực
Trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình, tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Ngày 25/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 do tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Quảng Bình – điểm đến an toàn, độc đáo và khác biệt
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đây là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Bình mà còn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ, rộng hơn nữa là các tỉnh duyên hải miền Trung.
Đặc biệt, trong thời điểm tình hình kinh tế đang chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, khó khăn, bất ổn kinh tế tài chính trên thế giới… đòi hỏi chúng ta phải huy động các nguồn lực lớn cho công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh.
Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực, cố gắng mà Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn. Do đó, tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Bình đã phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch có vai trò quan trọng, xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển; tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Quảng Bình được biết tới là điểm đến an toàn, độc đáo và khác biệt. Diện tích tự nhiên khoảng 8.000km2, bờ biển dài hơn 116km, tỷ lệ che phủ rừng trên 68% (đứng thứ 2 toàn quốc), điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý ưu đãi cho Quảng Bình có không gian thuận lợi để phát triển du lịch.
Hệ thống giao thông thuận lợi và đồng bộ, gồm sân bay Đồng Hới, Quốc lộ 1A; hai nhánh đường Hồ Chí Minh Đông và Tây; Quốc lộ 12A, đường sắt Bắc-Nam với ga Đồng Hới là ga chính và cảng biển Hòn La.
Đặc biệt, tỉnh có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” với hàng ngàn hang động lớn nhỏ, nổi bật nhất là Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều bãi tắm đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy,… với nhiều sản vật làm cho văn hóa ẩm thực thêm đa dạng, phong phú, cùng với các sân golf đẳng cấp quốc tế, tạo nên chuỗi hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển.
Nơi đây còn có suối nước nóng Bang với độ sôi tự nhiên 105 độ C được đầu tư thành khu du lịch sinh thái và phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản) thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
Với lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch độc đáo kể trên, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.
Địa chỉ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp; kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Trong quy hoạch, tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Du lịch Quảng Bình bước đầu đã có những khởi sắc, gây được tiếng vang trong khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định quy hoạch và tặng hoa chúc mừng tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Tỉnh phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến.
Tỉnh cần phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương; phục vụ chuyên nghiệp hơn; phát động phong trào để thúc đẩy “mọi người đều phải làm du lịch, mỗi người dân là một sứ giả của du lịch” nhằm tạo dấu ấn rõ nét của du lịch Quảng Bình.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng của Quảng Bình, qua đó tìm kiếm và mở rộng cơ hội đầu tư; tích cực sớm triển khai dự án đầu tư theo nội dung, thỏa thuận đã ký kết với sản phẩm, công trình cụ thể để chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của tỉnh thành các động lực phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh với những tiềm năng và lợi thế, tư duy và cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Bình thời gian qua, cùng với lời hứa đầu tư và cam kết nguồn lực tại hội nghị hôm nay, chắc chắn rằng tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới. Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát triển./.
Nguồn: Báo xây dựng