Quảng Bình: Dự án đã cấp phép thì không dễ thu hồi?
(Xây dựng) – Các dự án đã bị tỉnh Quảng Bình thu hồi phần lớn là mới đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có doanh nghiệp đầu tư. Còn những dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư không dễ thu hồi, bởi không ít doanh nghiệp tìm cách lách luật để cố tình kéo dài dự án…
Người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch bất bình với việc quy hoạch dự án treo nhiều năm, khiến cuộc sống ảnh hưởng. |
Người dân chật vật vì các dự án “treo”
Người dân ở những địa phương trong tỉnh có dự án “treo” 5 – 10 năm cho rằng chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì để đó chờ thời. Trong đó, có doanh nghiệp làm xong một số hồ sơ thủ tục của dự án rồi để đó, tìm doanh nghiệp khác có nhu cầu để bán lại với giá cao hơn thông qua hình thức góp vốn, bán cổ phần công ty, chuyển nhượng dự án.
Tại phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) khu đất thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần Tập đoàn Linh Thành (trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh) với diện tích 2.034m2 hơn 9 năm qua vẫn chưa hình thành.
Ông Lê Cương, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) cho hay: Dự án này được tỉnh cấp phép, cho thuê đất vào năm 2010, tổng mức đầu tư ban đầu là 78 tỷ đồng. Sau thời gian dài không động đến, năm 2019 dự án này mới triển khai san gạt, lập hàng rào tôn vây kín. Vị trí khu đất này rất thuận tiện vì nằm cạnh Kho bạc Nhà nước tỉnh và Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh, ngay sát Tỉnh ủy nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, tỉnh nên thu hồi để làm việc khác khả thi hơn.
Qua nắm bắt từ chính quyền phường Đồng Phú được biết, dự án này đã chậm triển khai hơn 10 năm, lý do được đưa ra là do công ty đang thu xếp nguồn vốn và điều chỉnh tiến độ thực hiện. Tại công trường, dự án mới san nền, ép cọc móng và lắp trạm biến áp.
Các doanh nghiệp mua lại dự án nhiều khi cũng không có ý định thực hiện dự án mà tiếp tục tìm nhà đầu tư khác bán lại toàn bộ hoặc một phần dự án để thu lợi nhuận. Cứ như vậy, dự án qua tay nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ” và các hộ dân có đất nằm trong dự án là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì đất vướng vào quy hoạch không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng, muốn chia tách cho con hoặc sang nhượng cũng khó khăn. Do bị quy hoạch dự án, người dân không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Huân, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2.000m2 đất bị quy hoạch làm khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa – Đảo Yến, nhưng hơn 6 năm rồi chưa thực hiện khiến kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi định cắt một phần đất để bán lấy tiền làm ăn, cho con trai đi xuất khẩu lao động, song xã, huyện đều nói đất đang quy hoạch dự án không thể tách thửa, ngân hàng không cho vay. Bài toán sinh kế bị ảnh hưởng”.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Quân cho biết: UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư rà soát lại tất cả 173 dự án chậm triển khai tại các huyện, thành phố xem nguyên nhân từ đâu. Sau đó, Sở báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp giải quyết vì dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện, Sở Kế hoạch Đầu tư đã thành lập đoàn kiểm tra có cả các sở, ngành, địa phương cùng tham gia để xem lại tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dự án khó thu hồi
Theo quy định của Luật Đất đai, dự án cấp phép 2 năm không triển khai sẽ gia hạn thêm 2 năm nữa và sau khoảng thời gian trên, nếu chưa thực hiện sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, đây là những dự án đã có sẵn đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án khác trên địa bàn Quảng Bình phần lớn đều phải thu hồi đất của người dân, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng có khi kéo dài 5-8 năm chưa xong. Chủ đầu tư có thể “vin” vào lý do chưa có đất sạch để xây dựng dự án nên tỉnh khó thu hồi. Và cũng từ lý do này, nhiều doanh nghiệp “thủng thẳng” xin chủ trương đầu tư dự án để “chờ thời” thay vì quyết liệt thực hiện.
Bên cạnh đó, có những dự án mà trong quá trình triển khai nhà đầu tư xin điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, hoặc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn “lệch pha” nhau, buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc chờ đợi điều chỉnh quy hoạch trên cũng mất khá nhiều thời gian nếu các sở, ngành, doanh nghiệp không rốt ráo nhập cuộc.
Trước đây, cũng có những doanh nghiệp khi được cấp phép đầu tư tại Quảng Bình nhưng năng lực về tài chính không đủ nên đã tìm cách kéo dài dự án để kêu gọi những doanh nghiệp khác góp vốn cùng đầu tư. Ngoài ra, có doanh nghiệp sau khi được cấp phép đầu tư đã bán lại dự án cho những doanh nghiệp khác. Quá trình rà soát các thủ tục, quy trình chuyển nhượng dự án cũng mất nhiều thời gian, góp phần làm cho dự án kéo dài thêm.
Dự án Khu du lịch Thanh Hà – Đá Nhảy sau 7 năm hoang sơ, bất ngờ tăng vốn lên 2.023 tỷ đồng để tái khởi động. |
Đơn cử như dự án Khu du lịch Thanh Hà – Đá Nhảy, sau hơn 7 năm chậm tiến độ, cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình – chủ đầu tư dự án, đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Bình điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án từ 230 tỷ đồng lên 2.023 tỷ đồng, và điều chỉnh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý 1/2025.
Động thái này của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình (trụ sở tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) với Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Việt Phong (trụ sở tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Dư luận và cử tri đang trông mong việc bất ngờ tăng vốn của nhà đầu tư sẽ “thay máu” cho cả dự án khu du lịch, chứ không phải là một hành động tiếp tục “câu giờ”!
Nguồn: Báo xây dựng