Quảng Bình: Đẩy mạnh quản lý chất thải rắn sinh hoạt
(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, tổ chức đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Tại Quảng Bình, vẫn còn tình trạng tập kết chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định. |
Theo Công văn số 1430/UBND-KT ngày 1/8/2024, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch số 1368/KH-UBND ngày 23/7/2024 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 và các quy định liên quân.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện, từng bước triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó lưu ý tổ chức triển khai hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; tổ chức thực hiện nội dung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/04/2023.
Tham mưu bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực đầu tư; khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại khoản 6 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng đối với các khu xử lý, trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt. Tổ chức thẩm định quy hoạch, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định hiện hành. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố từng bước triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, thống nhất tại địa phương, ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong quá trình thực hiện, lưu ý nghiên cứu, áp dụng phù hợp theo Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định liên quan. Quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng