Quảng Bình: Chủ đầu tư phải cam kết tiến độ giải ngân nguồn vốn

(Xây dựng) – Hết tháng 7/2021, toàn tỉnh Quảng Bình mới chỉ giải ngân đạt 34,12% kế hoạch vốn được giao. Do đó, các chủ đầu tư phải nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn nếu không muốn bị điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán cao hơn.

quang binh chu dau tu phai cam ket tien do giai ngan nguon von
Chủ đầu tư phải cam kết về khối lượng thực hiện và tiến độ giải ngân vốn theo từng mốc thời gian.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý là 2.677 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân tất cả các nguồn vốn đến ngày 30/6/2021 là 776 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch. Dự kiến hết tháng 7/2021 là 913 tỷ đồng, đạt 34,12% so với kế hoạch.

Đặc biệt đến nay, có một số công trình chưa giải ngân được nguồn vốn đã cấp, như: Công trình hạ tầng khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo 19,1 tỷ đồng; đường nối Quốc lộ 1 đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Lệ Thủy 51,5 tỷ đồng…

Vốn ODA có kế hoạch vốn giao là 842 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ giải ngân 56,3 tỷ đồng, đạt 6,69% kế hoạch. Nhiều công trình thuộc nguồn vốn ODA năm 2021 chưa thực hiện giải ngân, như: Công trình xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương 56,5 tỷ đồng; dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình 47 tỷ đồng…

Các dự án đầu tư công từ vốn ngân sách địa phương tập trung đầu tư các dự án chuyển tiếp như: Sửa chữa nâng cấp cụm hồ chứa nước huyện Tuyên Hóa; đường vào Trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất Cơ sở 1 Trường Đại học Quảng Bình; đầu tư hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật trung tâm hành chính mới huyện Quảng Trạch…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình lý giải, 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nên các dự án khởi công mới cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán và tổ chức lựa chọn đấu thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án ODA trên địa bàn tỉnh chưa giải ngân được kế hoạch vốn do công tác xây dựng kế hoạch hoạt động năm chưa theo đúng thời gian quy định, gói thầu khởi công mới đang tập trung thực hiện thủ tục tuyển tư vấn, lập thiết kế, dự toán và tổ chức đấu thầu, xin ý kiến của nhà tài trợ.

Một số dự án có khối lượng thực hiện nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chậm làm thủ tục thanh toán ngay khi có khối lượng mà đợi đến khi hoàn thành mới thực hiện. Do đó, khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án ODA đạt thấp. Nhiều dự án đầu tư công trung hạn có nguồn vốn lớn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 chưa được Quốc hội thông qua, nên chưa có cơ sở giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2021. Đặc biệt, còn hơn 479 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa thể phân bổ cho các dự án khởi công mới do chưa đủ thủ tục theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2021, đến ngày 30/6/2021 phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2021 và đến 31/12/2021 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021. Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2021, đến ngày 30/6/2021 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến ngày 30/9/2021 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2021, đến 31/12/2021 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021.

quang binh chu dau tu phai cam ket tien do giai ngan nguon von
Vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn tại các dự án.

Các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2021 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến ngày 30/6/2021 chưa giải ngân cho công tác xây lắp theo quy định trên, UBND tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán.

Như tại huyện Quảng Ninh, kết quả giải ngân nhiều dự án, công trình vẫn còn khá thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Có thể kể đến, 3 dự án do ngân sách Trung ương cấp gồm Dự án xây dựng các bến cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá xã Hải Ninh có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, giải ngân được 11,58 tỷ đồng, đạt 46,32%.

Dự án xây dựng bến cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề tại các xã vùng cửa sông Võ Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, giải ngân được 4,182 tỷ đồng, đạt 41,82%. Dự án nạo vét luồng lạch vào chợ cá kết hợp kè chống sạt lở 2 bên hói, xã Hiền Ninh có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, giải ngân được 2,806 tỷ đồng, đạt 28,06%. Cùng đó, 9 dự án, công trình thuộc ngân sách địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, đều dưới 40%.

Ông Trương Ngọc Quý – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh chia sẻ: Năm 2021, huyện đã tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình. Tuy vậy, giá sắt thép, xi măng tăng, nguồn cung đất, đá cũng hạn chế, thiếu hụt lượng nhân công… kéo theo khối lượng thi công sụt giảm, thời gian kéo dài; công tác thanh, quyết toán bị chậm theo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích