Quảng Bình: Cần điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân
(Xây dựng) – Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 08 khu công nghiệp, nhưng nhà ở cho công nhân vẫn rất hạn chế. Nhiều người lao động đang phải ở, sinh hoạt trong những khu nhà trọ chật hẹp, không có đầy đủ trang thiết bị…
Đa phần người lao động thu nhập thấp đang phải thuê nhà trọ trong các nhà dân. |
Nhiều cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cho biết: Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra, khiến nhiều người lao động tìm đường về quê một phần do điều kiện sống chưa đảm bảo. Từ thực tế đó, nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người lao động để giữ chân người lao động, gắn bó doanh nghiệp tại địa phương lâu dài.
Sau nhiều năm gắn bó và làm việc ở một Công ty sản xuất gỗ MDF tại khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, với thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng nhưng gia đình anh Trần Văn An vẫn đang ở trong căn nhà trọ chật chội tại xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch). Tháng 9/2021, cả gia đình đều phải nghỉ việc ở nhà để phòng dịch, cuộc sống khó khăn lại sinh hoạt trong căn nhà trọ chừng 15m2, anh An quyết định để vợ và 2 con về quê ngoại ở huyện Tuyên Hóa sinh sống, còn anh ở lại bám trụ với xưởng gỗ để mưu sinh, kiếm thu nhập cho những tháng cuối năm.
Anh Trần Văn An cho biết: Công nhân sau giờ làm việc thường ở trong nhà trọ, không gian giải trí, điều kiện sinh hoạt eo hẹp nên việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần rất hạn chế. Ngoài ra, việc ở những phòng trọ chật chội cũng khiến cho tinh thần người lao động lo lắng về tình hình an ninh trật tự và môi trường sống chưa hợp vệ sinh. Ước mơ mua được căn nhà tại các dự án nhà ở xã hội giá rẻ và trả góp hằng tháng là điều mà anh và nhiều lao động đang ấp ủ.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, trong số gần 12 nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, mới chỉ có khoảng 1 nghìn người được ở trong ký túc xá do doanh nghiệp tư nhân xây dựng, số còn lại đang thuê trọ nhà dân với giá phòng trọ từ 600 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Đời sống, điều kiện sinh hoạt của người lao động còn khó khăn, chưa có các thiết chế phục vụ nhu cầu thiết yếu về nhà trẻ, trạm y tế, siêu thị… gần các khu công nghiệp. Từ thực trạng trên cho thấy, nhu cầu về thiết chế công đoàn, nhà ở xã hội là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay của phần lớn người lao động xa quê.
Từng bước định hình việc thuê chung cư mini, hoặc ký túc xá để đảm bảo sức khỏe và diện tích sử dụng cho người lao động. |
Từ thực tế đó, tháng 5/2020, tỉnh Quảng Bình đã khánh thành công trình mở rộng trường Mầm non Bắc Lý tại Cụm khu công nghiệp Tây Bắc thành phố Đồng Hới: với quy mô 4 phòng học, 1 phòng làm việc, 1 phòng y tế và khu bếp với tổng diện tích 1.029,4m2. Công trình thuộc dự án thiết chế công đoàn dành cho người lao động góp phần giảm áp lực phải gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo xa nơi làm việc của công nhân, giúp họ yên tâm sản xuất.
Hiện, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho người lao động nhưng vấn đề ách tắc về quỹ đất, vốn vay ưu đãi, cơ chế, thủ tục… đang là rào cản. Từ đó, để người lao động có thu nhập thấp thực hiện hóa giấc mơ an cư, cần có sự chung tay và quyết tâm lớn từ nhiều phía.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình từng chia sẻ: Hạ tầng các khu công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch (nếu có) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở cho công nhân. Những khu công nghiệp đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng như Khu công nghiệp Cam Liên; Tây Bắc Quán Hàu; Bắc Đồng Hới… Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở cho công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Đối với các dự án tại các khu đất ngoài trung tâm thành phố Đồng Hới, nghiên cứu xây dựng nhà ở chung cư thấp tầng, nhà ở xã hội liền kề với giá trị không quá 400 triệu đồng/căn hoặc có đơn giá cho thuê không quá 50.000 đồng/m2/tháng, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu…
Nguồn: Báo xây dựng