Quảng Bình: Bàn giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

(Xây dựng) – Ngày 02/12, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”, để tập trung bàn luận giải pháp quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho địa phương.

Quảng Bình: Bàn giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch
Hội thảo với sự tham gia của nhiều đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia và chủ doanh nghiệp.

Phá biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cho biết: Tỉnh Quảng Bình có lợi thế nổi bật, giàu tài nguyên để phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa.

Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch, nhờ đó, có 20 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn với tổng nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn ít, hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ, cơ sở lưu trú cao cấp còn ít. Do đó, cần tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội với các chính sách kiến tạo của các cấp chính quyền để nâng chất lượng ngành Du lịch.

Hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch – động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn” là cơ hội để tỉnh Quảng Bình được tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp để nghiên cứu trong việc định hướng, thu hút đầu tư để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thực hiện các hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng: Sau dịch bệnh, du lịch có nhiều thay đổi theo hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch sức khỏe – nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách du lịch có xu hướng thích đi theo nhóm nhỏ là gia đình, bạn bè và tự đặt dịch vụ. Sự tăng trưởng của lượng khách và xu hướng du lịch thay đổi kéo theo là nhu cầu đầu tư du lịch cũng trở nên cấp thiết. Và, muốn có các dự án đầu tư du lịch càng cần phải đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, cả trong nước và ngoài nước.

Quảng Bình: Bàn giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phát biểu tham luận.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Bình cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới, có tính đến quy hoạch đô thị sân bay; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch. Để quy hoạch xây dựng hạ tầng bền vững, cần tạo thế phát triển đa chiều kết nối liền mạch với các địa phương lân cận, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các trục hạ tầng quan trọng.

Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; xác định những cụm tuyến di sản văn hóa tiêu biểu có khả năng đưa vào khai thác du lịch như quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh để tập trung nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, bảo tồn và gắn với phát triển du lịch… Hơn hết, cần sớm được phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để làm khung cơ sở cho các dự án đầu tư được quan tâm.

Quảng Bình: Bàn giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch
Đầu tư hạ tầng du lịch theo đúng định hướng tổ chức không gian du lịch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030.

Cùng đó, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Quảng Bình cần phải đón đầu xu hướng du lịch mới, hướng về thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Trước hết phải tập trung xây dựng hệ thống “hạ tầng xanh”, lấy môi trường làm trung tâm, hạ tầng thân thiện với môi trường. Các công trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng phải giữ được vẻ hoang sơ của tự nhiên, tạo điểm nhấn khác biệt riêng cho Quảng Bình. Thận trọng trong quy hoạch đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch giải trí ở các bãi biển.

Trên tinh thần này, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã thông tin về chính sách thu hút đầu tư tỉnh Quảng Bình nói chung, thu hút đầu tư du lịch nói riêng; định hướng tổ chức không gian du lịch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2021 – 2030.

Dịp này, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình ký kết ghi nhớ hợp tác với các đối tác để phát triển du lịch trong năm 2023.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích