Quảng bá, liên kết đưa sản phẩm OCOP kết hợp với nền tảng số

Gần 9.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn

Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An… được đưa lên các sàn là 266.373 hộ, với 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Trong đó, hơn 95% sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đã lên các sàn.

Một số sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã lên sàn như: các sản phẩm mây, tre đan của Công ty TNHH Đức Phong; trà túi lọc cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc giảo cổ lam của Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; ống tre đa năng của Hợp tác xã Trà Lân (Con Cuông)…

Chính sách - Quảng bá, liên kết đưa sản phẩm OCOP kết hợp với nền tảng số
Trà túi lọc cà gai leo là một trong những sản phẩm nông nghiệp tại Nghệ An lên sàn sớm nhất để giới thiệu sản phẩm.

Không chỉ tham gia sàn hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Đây chính là giải pháp đưa số hóa vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó, thúc đẩy phát triển các hình thức giao thương đa dạng.

Một số dịch vụ như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, tra cứu điểm thi,… đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhu cầu ứng dụng của người dân trong cuộc sống. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các ngân hàng triển khai rộng rãi, phổ biến đến tận các cơ sở, hộ kinh doanh, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích cầu hoạt động mua sắm.

Chính sách - Quảng bá, liên kết đưa sản phẩm OCOP kết hợp với nền tảng số (Hình 2).
Chương trình kết nối giữa Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tỉnh Nghệ An đã giúp nhiều sản phẩm được ký kết.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, ước tính với doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, doanh thu chiếm khoảng 7,8 – 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với vị trí xếp hạng thương mại điện tử của Nghệ An năm 2023 thì tỷ trọng doanh thu trong tổng mức bán lẻ của Nghệ An dự ước đạt từ 7,5 đến 8%.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An cho rằng, để sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm…. do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

Giải pháp đưa số hóa vào cuộc sống

Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, Sở Công Thương Nghệ An đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… lên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tập huấn, hỗ trợ kinh phí xây dựng website và xây dựng gian hàng online trên sàn giao dịch; triển khai mô hình chợ 4.0, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; mời các đơn vị, doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch quốc tế uy tín như Amazon, Alibaba…

Sau 5 tháng triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 tại 6 chợ: chợ Vinh, chợ Giát, chợ Đô Lương, chợ Ga Vinh, chợ Hôm, chợ Tân Thành, bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan, với hơn 1.300 tiểu thương tham gia kết nối, 4.000 giao dịch và dòng tiền trao đổi hơn 12 tỷ đồng.

Để phát triển kinh tế số, cùng với tập trung phát triển hạ tầng số, phát triển nhân lực chuyển đổi số, Sở Công Thương chủ động hỗ trợ đưa các sản phẩm Nghệ An lên sàn.

Chính sách - Quảng bá, liên kết đưa sản phẩm OCOP kết hợp với nền tảng số (Hình 3).
Cho đến nay, Nghệ An xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

Đến ngày 31/10/2023, Sàn Giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 473 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; Thu hút trên 9,3 triệu lượt truy cập; Giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ.

Ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử, Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường phát triển.

Do đó, thời gian tới, để đạt mục tiêu phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn. Doanh nghiệp cần chủ động các khâu từ nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Theo Người đưa tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích