Quản trị, vận hành các khu đô thị: Sớm hoàn thiện chính sách quản lý
Quản trị, vận hành các khu đô thị: Sớm hoàn thiện chính sách quản lý
Hà Nội là địa phương sớm hình thành các khu đô thị mới (KĐT) và phát triển nhanh so với cả nước. Phát triển các khu đô thị đã đóng góp quan trọng trong phát triển đô thị, tạo lập diện mạo đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Khu đô thị sử dụng 20 năm chưa bàn giao hạ tầng
Tại Hội thảo khoa học “Định hướng, giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn Hà Nội” do Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội đã tổ chức sáng 24/12, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá, bên cạnh mặt mặt tích cực như tạo quỹ nhà ở, nâng cao chất lượng sống người dân, tạo bộ mặt đô thị văn minh hiện đại thì việc hình thành, phát triển các KĐT tại Hà Nội đang còn tồn tại rất nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân.
Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá toàn diện từ đó có các giải pháp hoàn thiện về mô hình quản trị KĐT, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với vấn đề này là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn Hà Nội đang là thách thức là yêu cầu đặt ra trong Luật Thủ đô và là một trong những nhiệm vụ chủ yếu được đề cập đến trong Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Ngày 17/11/2021 UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư”, trong đó giao Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội chủ trì phối hợp với một số sở, ngành, UBND quận huyện thực hiện nhiệm vụ.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá khái quát công tác công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư trên địa bàn Thành phố, nhận diện khó khăn, tồn tại và bài học kinh nghiệm. Cùng đó, trao đổi, thống nhất các giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn lực thực hiện, về tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, báo cáo với Thành ủy, HĐND, UBND TP xem xét.
Khái quát về thực trạng các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn Hà Nội hiện nay, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 114 KĐT với quy mô từ 20 – 200ha. Về cơ bản, công tác quản lý hành chính đã được triển khai đến các KĐT, việc thành lập các tổ chức chính trị – xã hội cũng được quan tâm hơn, an ninh trật tự tại các KĐT được đánh giá tương đối tốt, công tác quản lý các chung cư được tăng cường…
Tuy nhiên, còn rất nhiều tồn tại bất cập như nhiều KĐT việc xây dựng kéo dài nhiều năm, cho người dân về ở khi chưa hoàn thiện hạ tầng. Trong đó, đa số các KĐT chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong công tác bàn giao hạ tầng cho địa phương. Cụ thể, tại quận Hà Đông mới có 3/13 dự án đã bàn giao một phần; quận Nam Từ Liêm có 10/55 dự an đã bàn giao; thậm chí tại quận Thanh Xuân KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đưa vào sử dụng từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao hạ tầng KĐT cho chính quyền quản lý. Nhiều KĐT có hiện tượng sử dụng đất sai mục đích, có hiện tượng người dân lấn chiếm đất, thiếu nhà sinh hoạt chung.
Trên phương diện quản lý, nhiều địa phương còn lúng túng trong quản trị các KĐT, nhất là khu vực ngoại thành. Sự phối hợp giữa các tổ chức của chính quyền với chủ đầu tư, Ban quản trị còn khó khăn tại nhiều KĐT. Xảy ra nhiều xung đột giữa chủ đầu tư cấp 1, thứ cấp, cư dân, Ban quản trị về sở hữu và sử dụng các công trình KĐT, do đó hiện tượng chung cư có băng rôn đỏ treo là hình ảnh thường xuyên tại nhiều KĐT.
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Trước những tồn tại, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị đã tham góp những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư trên địa bàn Hà Nội.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội, KTS Bùi Xuân Tùng nêu, những hạn chế hiện nay xuất phát chủ yếu từ việc nhiều KĐT chưa xây dựng hoàn chỉnh nhưng đã đưa cư dân vào ở. Nhiều KĐT có quy mô, vị trí nằm ở khu vực giáp ranh nên đã phát sinh những phức tạp trong quản lý hành chính. Thậm chí nhiều KĐT đã xây dựng hoàn chỉnh, khi cư dân vào ở vẫn phát sinh những mâu thuẫn do tranh chấp quyền sử dụng các công trình hạ tầng xã hội, công cộng… giữa cư dân và chủ đầu tư.
“Muốn vận hành tốt một KĐT cần tập trung vào 3 chủ thể quan trọng là cư dân, chủ đầu tư, Nhà nước. Cần có quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của người dân sống trong KĐT, nhà đầu tư sau khi đã đưa KĐT vào sử dụng. Đối với Nhà nước, cần bổ sung các quy định để có công cụ quản lý, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền, đặc biệt cần sớm có quy định cụ thể về mô hình quản lý KĐT” – KTS Bùi Xuân Tùng nhấn mạnh.
Nhận định về công tác quản lý, vận hành các KĐT, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội PGS.TS Vũ Thị Vinh cho rằng, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp trong thời gian qua tại các TP lớn do phát sinh nhiều mâu thuẫn. Nhiều quốc gia trên thế giới có những quy định rất rõ ràng của Nhà nước về công tác quản lý các KĐT. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì mỗi KĐT lại có một cơ chế quản lý khác nhau.
Đây là nguyên nhân chính bên cạnh rất nhiều nguyên nhân khác được chỉ ra dẫn đến những tồn tại ở các KĐT hiện nay. Về giải pháp, PGS.TS Vũ Thị Vinh cho rằng, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cần sớm tổng hợp có đề xuất, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Xây dựng cũng như chính quyền TP Hà Nội, để các cơ quan có những giải pháp toàn diện về vấn đề này.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho hay, vấn đề quản lý chung cư rất khó, phức tạp gắn với đời sống dân sinh hằng ngày nhưng cũng là vấn đề cần tầm nhìn chiến lược, dài hạn của TP. Do đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến cả nhà đầu tư lẫn cư dân các KĐT. Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị các KĐT sau đầu tư. Chỉ đạo chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm đến thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các KĐT trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và quản trị vận hành các dự án sau đầu tư của các chủ đầu tư, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần nghiên cứu tổng kết một số mô hình tốt trong quản trị vận hành các khu đô thị sau đầu tư để triển khai, nhân rộng trên toàn địa bàn TP. “Hiện trên thực tế có rất nhiều loại hình KĐT, do vậy cần phân loại để có chính sách mở cho từng nhóm KĐT, chứ không thể áp dụng chung một chính sách đối với tất cả loại KĐT thì không thể giải quyết được” – ông Lê Văn Hoạt nêu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị