Quản trị doanh nghiệp thời khủng hoảng

Trong buổi hội thảo trực tuyến tối 31/8, ông Nguyễn Cảnh Bình – Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, Chủ tịch Alpha Books, đã có buổi nói chuyện cùng lãnh đạo các DN với chủ đề Lãnh đạo trong khủng hoảng.

Buổi hội thảo đề cập đến một số giải pháp đổi mới kinh doanh, cũng như những nguyên tắc mà mỗi lãnh đạo DN cần nắm vững để có thể đối mặt với khủng hoảng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. 

Khủng hoảng tạo ra nhiều tiêu chuẩn mới

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, sau cuộc khủng hoảng vì Covid-19, có thể tạo ra những tiêu chuẩn xã hội mới, những tổ chức mới và cấu trúc DN mới, kéo theo kinh tế – xã hội hình thành theo xu hướng mới. 

Tuy nhiên, Covid – 19 cũng mở ra những không gian mới về các hoạt động kinh tế, xã hội và phát triển đa ngành nghề của các DN như bán hàng trên không gian số, học tập và lao động trực tuyến, đồng thời đẩy nhanh việc ra đời những sản phẩm mới từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Về mặt khoa học – kỹ thuật, công nghệ cũng gắn liền với những hoạt động của DN và lực lượng lao động chất lượng cao được phát triển mạnh hơn trước đây. Ví dụ như việc phát triển công nghệ robot, người máy, đưa người lên sao Hỏa… 

Các nước phương Tây sử dụng “1 chiến lược cho mọi quốc gia”. Đó là niềm tin vững chắc vào khoa học – công nghệ (KH-CN)  và sinh học. Dựa vào kinh nghiệm từ những trận đại dịch cả trăm năm trước, họ coi KH-CN là chìa khóa duy nhất để thoát khỏi dịch bệnh, mà hiện tại là vaccine.

PTN-Arcturus-2880-1630496211.jpg
Khoa học – Công nghệ là chìa khóa để thoát khỏi dịch bệnh, cụ thể là vaccine. Ảnh: Lao động

Sau đó, họ bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế và các DN, hỗ trợ thất nghiệp, cắt giảm lãi suất cho DN. Cụ thể: Mỹ đã chi hơn 1.900 tỷ USD, Nhật cũng chi gói hỗ trợ thứ 2 lên tới hơn 1.000 tỷ USD (tổng gói hỗ trợ của Nhật lên tới khoảng 40% GDP). Một số quốc gia đã cắt giảm lãi suất ngân hàng chỉ còn 0,1%…

Các giải pháp ứng phó với khủng hoảng

Cấp độ ảnh hưởng của dịch Covid có nhiều mức độ, tùy theo từng nhóm đối tượng. Đối với người lao động hưởng lương theo tháng thì đa số sức chống chịu của họ tối đa được khoảng 1-3 tháng. Với các tổ chức, DN thì ảnh hưởng nặng nề hơn và thiệt hại lớn hơn, trước hết là về đơn hàng, quan hệ với đối tác, khách hàng, sau đó là người lao động trong DN.

Chu-p-web-1-9-2021-18137-baoda-5715-6024

Đơn hàng dồn ứ, các bến cảng bế tắc vì không còn chỗ để trữ hàng tồn. Ảnh: Dân sinh

Dựa trên các cấp độ ảnh hưởng của khủng hoảng, ông Bình đã gợi mở một số giải pháp dành cho các DN đối phó với khủng hoảng như sau:

Giải pháp 1: Cắt giảm chi phí để nghiên cứu các mô hình mới

DN có thể cắt giảm chi phí, tạm dừng hoạt động một số bộ phận để tiết kiệm tối đa chi phí cho DN. Trong thời gian đó, phải tìm kiếm các giải pháp kinh doanh mới, hướng đi mới cho cả công ty; có thể chia nhỏ các nhóm để dịch chuyển thử nghiệm, sau đó nếu thấy khả thi mới dịch chuyển toàn bộ công ty, tránh tổn thất nếu hướng đi đó không phù hợp. Mỗi DN nên chia làm 3 khối: Tiên phong, trung bình và ổn định, đây là 3 nhóm khác nhau và giữ ở mức độ trung bình, không dịch chuyển nhiều.

DN cũng có thể chuyển đổi sang ngành khác sau khi đã nghiên cứu giải pháp mới theo đúng quy trình và nguyên tắc như trên, hoặc ghép với công ty khác theo kiểu hợp tác hoặc sáp nhập. 

“Tôi ví dụ như một công ty nhỏ về lĩnh vực truyền thông, quảng cáo có thể ghép và sáp nhập với một công ty khác lớn hơn ở lãnh vực điện tử, xây dựng, thương mại…để phát triển mảng truyền thông cho họ, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn có thể duy trì công ty, mở ra nhiều cơ hội hơn” – ông Bình nói.

acquisition-2-med-res-7114-1630496211.jp
Sáp nhập các DN có thể là một chiến lược tốt trong thời kỳ khủng hoảng. Ảnh: Internet

Giải pháp 2: Thay đổi phương thức kinh doanh mới 

Sau khi thực nghiệm giải pháp 1, DN có thể thay đổi cơ chế phát triển trước đây bằng những định hướng mới hơn, ví dụ như lốp ô tô được sản xuất ngày càng bền hơn và lâu bị hỏng hơn nhưng khó tăng giá. Thay vào đó, các DN sản xuất lốp không còn bán lốp vật lý mà bán số km cho khách hàng. 

Một ví dụ khác như thị trường bán loa đài hiện nay đang bị bão hòa, nhu cầu thấp, mức lời thấp, từ đó một số DN chuyển qua tư vấn âm thanh cho các trường học, DN…chẳng hạn đặt loa ở đâu, tần suất âm thanh thế nào…và mở rộng việc tìm kiếm thêm khách hàng.

DN muốn chuyển hướng đầu tư một lĩnh vực khác nên tính trước rủi ro nếu khoản đầu tư đó thất bại. Nên chọn thời điểm mà lĩnh vực đó đang có tiềm năng, đồng thời chia vốn, bỏ số tiền tương ứng bao nhiêu % trong quỹ vốn của DN để đầu tư tìm lợi nhuận, nếu mất đi hoặc thua lỗ thì DN vẫn trụ được. 

Giải pháp 3: Tạm dừng hoạt động trong một thời gian, phương án rất tệ nhưng không phải tệ nhất

Mục đích của giải pháp này là cắt giảm tối đa nhận sự, duy trì tối thiểu hoạt động để qua cơn khủng hoảng, giúp DN có thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ và tìm hướng đi mới, cũng là thời gian để DN có thể chuẩn bị tìm cơ hội quay trở lại.

Trong lúc chờ đợi, DN có thời gian suy nghĩ cần làm gì và có thể làm gì.

Giải pháp 4: Thúc đẩy nhanh hướng đi mới 

Vai trò của người chủ và ban lãnh đạo DN trong giai đoạn này rất quan trọng, bởi họ phải đưa ra những quyết định không chắc chắn trong bối cảnh không đủ thông tin, không đủ đồng minh, không rõ hướng đi…

Do đó, DN cần có mảng truyền thông nội bộ, nâng cao việc giao tiếp với nhau trong DN, đồng thời giao tiếp với các bên liên quan, từ đó xây dựng mạng lưới liên minh, trang bị kiến thức và có chiến lược dài hạn hoặc ngắn hạn phù hợp, sau đó chắt lọc ra đội ngũ lao động tinh nhuệ làm trợ thủ đắc lực cho ban lãnh đạo hoàn thành các kế hoạch đặt ra.

DN cũng phải xác định chính xác tình hình khó khăn về doanh thu và chi phí, lợi nhuận hao hụt ra sao, sau đó đưa ra một số phương án cụ thể như: 

– Chuyển đổi chính sách đối với lao động, có thể lương cực thấp nhưng hoa hồng cực cao để thúc đẩy kinh doanh;

– Xin chuyển lương thành khoản nợ, công ty sẽ trả các khoản lương này sau khi phục hồi (chỉ nên áp dụng cho cấp quản lý);

– Xóa bỏ chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, duy trì 3 mục tiêu là bảo đảm an toàn về con người, duy trì được cuộc sống tối thiểu cho nhân viên và duy trì tổ chức của DN;

– Xây dựng kế hoạch hoạt động trên quỹ ngân sách thấp, bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ những hoạt động không thể tổ chức, xác định những chi phí căn bản nhất, sau đó xem xét điều chỉnh nhân sự và thúc đẩy việc học tập, chuyển đổi cá nhân;

– Dịch chuyển hướng kinh doanh bằng cách tìm kiếm thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới… trong thời gian khủng hoảng; sắp xếp lại tổ chức/nhân sự thành các khối mới và lựa chọn 1 – 3 dự án tiên phong cho giai đoạn tới, không chỉ trong khủng hoảng mà còn về lâu dài.

“Ngoài ra, DN có thể tham khảo các mô hình chống dịch mà vẫn phát triển kinh doanh được của các DN lớn ở những nước phát triển trên thế giới, chọn một mô hình và thử nghiệm vào thực tiễn nước mình xem có phù hợp hay không… Đại dịch chính là khoảng thời gian mà chúng ta có thể làm những việc khác thường mà bình thường chúng ta không làm được hoặc không có thời gian làm” – ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ. 

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích