Quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật
NKT gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật. Số NKT còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% NKT từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật. Nguyên nhân bởi NKT gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT tại Phiên Giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức. (Ảnh: Trần Oanh) |
“Tôi đã đi xin việc khắp nơi, kể cả các công ty, xí nghiệp, nhưng ngay từ việc qua cổng bảo vệ cũng đã khó khăn chứ chưa nói tới việc gặp được người có trách nhiệm để nộp hồ sơ hay gặp người quản lý để được trao đổi, phỏng vấn…”, một NKT ở huyện Hoài Đức chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Hương – NKT ở quận Hai Bà Trưng thì bộc bạch: “Tôi có bằng trung cấp tin học, muốn tìm công việc văn thư, hành chính, bán hàng nhưng rất khó khăn vì các vị trí này đa số có yêu cầu cao về ngoại hình, sức khỏe… Tôi cũng được giới thiệu làm nghề may, nhưng hiện nay lại chưa biết nghề, vả lại cơ sở này ở ngoại thành nên tôi cũng không đáp ứng được do hạn chế trong di chuyển”.
Tại một cuộc tọa đàm với chủ đề “Quyền làm việc của NKT – Từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra những “rào càn” trong quá trình tìm kiếm việc làm của NKT. Bà Đinh Thị Quỳnh Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là NKT hạn chế, đa số là lao động phổ thông, không có trình độ; những khâu sản xuất cần trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động, NKT không làm được. Bên cạnh đó, cũng do những khiếm khuyết của cơ thể, sức khỏe hạn chế, nên năng suất, chất lượng lao động của NKT không cao.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp là có những lao động khuyết tật sau khi được tuyển dụng vào làm việc thì nhận thấy môi trường, điều kiện làm việc chưa phù hợp, tạo ra cảm giác mất tự tin nên đã xin nghỉ việc”.
Hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT
Thông tin tại “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT lần thứ I năm 2024”, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thành phố Hà Nội hiện có trên 112.000 NKT, trong đó có 7.704 NKT có khả năng lao động. Đặc biệt, nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó đã vươn lên làm chủ doanh nghiệp, khẳng định bản thân. NKT luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, việc hỗ trợ cho NKT có một công việc phù hợp là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của NKT trong đời sống xã hội.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Tây Nam, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Riêng Sở LĐTBXH Hà Nội trong nhiều năm qua đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT.
Kể từ năm 2012, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối kết hợp với Hội NKT Hà Nội và Hội NKT 30 quận, huyện để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động cho NKT và hàng năm đều tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT. Mới đây nhất, tại “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT lần thứ I năm 2024” do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức đã có sự tham gia của 11 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh 386 chỉ tiêu lao động là NKT.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ NKT học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc, hỗ trợ những NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Sở sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ NKT và tiếp tục tổ chức các phiên giao Dịch việc làm hướng đến NKT nhằm mang cơ hội việc làm đến cho NKT, giúp họ tự tin hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.
Bà Chử Thanh Hương, sáng lập viên, Giám đốc Cty TNHH Vì người khiếm thính Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động là NKT do không tìm ra ứng viên đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là phần lớn NKT có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. |
Phạm Diệp
Nguồn: Báo lao động thủ đô