Quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, nhiều nhà đầu tư lớn của các quốc gia phát triển đang sẵn sàng đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn. Trong quy trình sản xuất chip có 3 khâu: Thiết kế, chế tạo và đóng gói-thử nghiệm. “Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam đang làm tốt khâu đóng gói thử nghiệm, đúng hơn là công nghiệp phụ trợ cho đóng gói thử nghiệm”, ông Nguyễn Hoàng Giang nói.
Vì thế, với những cơ hội mở ra thì tới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta chỉ cần tập trung khâu thiết kế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ta nên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Thực hiện chủ trương thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ KH&CN sẽ có các chương trình KHCN, chùm nhiệm vụ liên quan đến chip bán dẫn. Thông qua việc nghiên cứu, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ về ngành công nghiệp này nên tập trung vào phần nào, trên cơ sở nguồn lực, thực tiễn của Việt Nam để chúng ta có thể đi ngắn nhất, nhanh nhất, thành công nhất.
“Như vậy, rõ ràng đòi hỏi các nhiệm vụ KHCN, chùm nhiệm vụ này phải được triển khai sớm, có kết quả nhanh, chứ để kéo dài nhiều năm mới có kết quả thì không thể tham mưu kịp thời”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tuy nhiên, để phát triển được ngành này phải hội tụ nhiều yếu tố về nghiên cứu, nhân lực…
Chính phủ đã phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ ngành đối với việc xây dựng chiến lược, phát triển nhân lực. Ở góc độ Bộ KH&CN, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu. Từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, thiết kế chế tạo các chip bán dẫn.
Ông Đàm Bạch Dương cũng cho biết, tại buổi tổng kết chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng mới đây, đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang có dự án liên quan đến chip bán dẫn, đề nghị Bộ KH&CN phối hợp. Do đó, Bộ KH&CN sẽ làm việc với Viettel để xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt tháo gỡ đến ngành chip bán dẫn.
Đây là ngành rất đặc biệt và đặc thù, do đó, nếu sử dụng chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển. Hiện nay, các chính sách cho ngành này nằm rải rác ở nhiều nơi. Ví dụ, chip bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, vì thế sẽ có một số ưu đãi về đầu tư. Đối với hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn cũng nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia thì lại có một số ưu đãi với hoạt dộng nghiên cứu…
Chính vì thế, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu chính sách đồng bộ, đặc thù tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.
Tái cơ cấu chương trình KH&CN
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong năm 2023 ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả bước đầu trong nhiệm kỳ 5 năm, trong đó các hoạt động hướng tới chiều sâu và hiệu quả. Một trong số đó là việc hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, tái cơ cấu các chương trình nhiệm vụ theo hướng hiệu quả hơn; để khoa học công nghệ đóng góp tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.
Theo đó, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và xây dựng hành lang pháp lý cho các chương trình trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 44 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong năm 2024 với nhiều điểm mới.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ KH&CN) làm rõ thêm các điểm mới, đầu tiên là các chương trình giai đoạn này kéo dài 10 năm thay vì 5 năm. Trước đây một nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia thường mất 3 năm đến 5 năm để triển khai. Theo ông Hải, thời gian này là ngắn, việc hình thành nhiệm vụ manh mún và không hiệu quả. “Việc thiết kế dài hạn hơn cho phép hình thành nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ có thể kết nối, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đó, tránh chồng lấn”, ông Hải nói. Các nhiệm vụ đặt hàng trong chương trình cũng gắn sát với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và chương trình phát triển các vùng, địa phương.
Ông Hải cho biết, từ năm 2022, hệ thống thông tư quản lý nhiệm vụ cấp quốc gia được sửa đổi từ khâu xác định nhiệm vụ đến tổ chức xét chọn và theo dõi, đánh giá nghiệm thu. Việc sửa đổi nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giải quyết những vướng mắc của nhà khoa học trong chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, giảm bớt thủ tục hành chính, để nhà khoa học tập trung sức lực nghiên cứu.
Những nội dung chưa chặt chẽ trong quản lý cũng được bổ sung nhằm sử dụng ngân sách nhà nước trong nghiên cứu khoa học hiệu quả, chống thất thoát. Hiện, Bộ KH&CN bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý nhiệm vụ trên môi trường mạng.
Phong Lâm