Quản lý và sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả trách nhiệm thuộc về ai?
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia. Việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài; bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là yêu cầu thường trực của công tác quản lý Nhà nước về đất đai. “Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 39/2021/QH15 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025). Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.”
Chủ trương, Nghị quyết là vậy, thế nhưng tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vẫn để xảy ra hiện tượng các công trình xây dựng mọc trên đất nông nghiệp. Ngay cả khi có sự thông tin của báo chí nhưng lãnh đạo xã vẫn làm ngơ để công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Theo quy định về quản lý đất đai và trật tự xây dựng chỉ rõ, đối với các cán bộ bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thông tin tìm hiểu, một số công trình xây dựng phía sau thôn Thượng Phúc xã Tả Thanh Oai được che chắn nhếch nhác bằng những tấm bạt phủ bên ngoài hay các tấm tôn tạm bợ. Trong đó, một số công trình đã xây dựng được 2 đến 3 tầng, đang tiếp tục làm sắt chờ để lên tầng tiếp theo. Điều đáng nói “toàn bộ những công trình trên đều xây dựng trên đất nông nghiệp”, theo người dân ở đây cho biết, đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2023, một số công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Thông tin về công trình xây dựng cạnh nhà nghỉ Lan Anh, sau số nhà 55, ngõ 8 Cầu Bươu và công trình tại số nhà 70, ngõ 8 Cầu Bươu Thanh Trì, Hà Nội, một người dân tại đây cho biết: “chỗ này trước đây là ao, được hình thành sau khi khai thác đất để sản xuất gạch của nhà máy gạch Đại Thanh. Người dân ở đây đã đổ đất lấn ra, rồi xây nhà tạm và dần dần biến thành nhà ngói, xây nhà như hiện tại. Gần như cả ngõ 8 này hoàn toàn là đất lưu không, ao, hàng rào của nhà máy gạch Đại Thanh ‘đất lấn chiếm’ chưa có sổ đỏ. Trong đó, có một số rất ít gia đình là cán bộ công nhân viên nhà máy gạch được cấp sổ, nhưng diện tích được cấp không nhiều. Khi xây dựng khu này thành khu đô thị Đại Thanh, tất cả phần đất thuộc ngõ 8 này được quy hoạch là khu công viên, vui chơi của khu đô thị. Nhưng người dân ở đây không đồng ý với mức đền bù nên chưa làm được. Đến nay vẫn dùng dằng như vậy, nhưng không hiểu tại sao họ lại xây dựng được công trình to như vậy? Không biết có giấy phép xây dựng không nữa?”.
Để làm rõ hơn thông tin, phóng viên đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai và Tổ quản lý TTXD xã Tả Thanh Oai, nhưng qua nhiều lần liên hệ cũng như đặt lịch làm việc đều không nhận được hồi âm. Phải chăng, các lãnh đạo nơi đây đang cố tình làm ngơ cho những sai phạm xảy ra?
Liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý đô thị, TTXD tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý TTXD trên địa bàn thành phố và có văn bản gửi các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về TTXD, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm phát sinh. Chủ động tổ chức kiểm tra, xác minh khi có báo chí phản ánh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ việc trên địa bàn quản lý, trả lời báo chí theo quy định…
Theo Quyết định, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Nếu để vi phạm xảy ra thì “cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm TTXD thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”. Trong đó nhấn mạnh: “trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”.
Mới đây, ngày 27/02/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 500/UBND-KGVX, về việc thực hiện Văn bản số 146/VPCP-KGVX ngày 13/01/2023 của Văn phòng Chính phủ. Về việc, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã “nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội;…; chủ động trong công tác phát ngôn, tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí dưới nhiều hình thức, đặc biệt đối với những vụ việc quan trọng, được dư luận quan tâm; đề nghị xử lý và cải chính đối với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tại thông tin sai sự thật; phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để cung cấp thông tin, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh…”.
Các văn bản ban hành của thành phố là vậy, nhưng cách làm việc của lãnh đạo xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì dường như đang đi ngược với chủ trương, đường lối chỉ đạo của thành phố, để mặc cho sai phạm ngang nhiên xảy ra?
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu