Quản lý và phát triển bền vững hệ thống cây xanh đô thị
Cây xanh đô thị chịu nhiều thiệt hại
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây có khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện còn khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại do UBND cấp quận, huyện quản lý.
Để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, cần có quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh. |
Nhìn chung, hệ thống cây xanh bóng mát tại Hà Nội hiện rất phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật. Trong đó, có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với lượng cây lớn như: Xà cừ khoảng 10.400 cây; phượng vĩ khoảng 16.000 cây; bằng lăng khoảng 17.500 cây; hoa sữa khoảng 14.400 cây; muồng khoảng 12.500 cây; sấu khoảng 26.400cây; sao đen khoảng 1.800 cây… làm nên đặc trưng cho từng tuyến phố. Ngoài ra, tại địa bàn 12 quận còn có hơn 8.000 cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,5m của cây… Tuy nhiên, đây là những số liệu được tổng hợp trước thời điểm tháng 9/2024, bởi cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống cây xanh Hà Nội.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, tính đến 6 giờ ngày 13/9, trên địa bàn Thành phố có trên 40.000 cây đổ và cành gãy. Con số này sẽ còn tăng lên vì các quận, huyện gồm: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo. Qua công tác rà soát, phân loại, lực lượng chức năng xác định có khoảng 3.082 cây có khả năng trồng lại, trong đó có hơn 100 cây quý hiếm.
Về công tác quản lý cây xanh đô thị, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, việc trồng cây xanh đã được UBND thành phố Hà Nội quy định tại Quyết định 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó yêu cầu rất kỹ về kỹ thuật.
“Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, phân loại rõ những cây có thể trồng lại, cây phải mang đi ươm trồng… Từ nay đến ngày 30/9, Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh sẽ thống nhất với UBND các quận, huyện, thị xã vị trí trồng lại và thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để bảo đảm cảnh quan đô thị”, ông Nguyễn Thế Công cho biết.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, có thể trong quá trình trồng cây, tại một số vị trí hay của một số chủ đầu tư là quận, huyện hoặc cá nhân, tổ chức khác chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư. Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến trên và sẽ đôn đốc, nhắc nhở, giám sát chủ đầu tư để không xảy ra trường hợp tương tự như phản ánh, nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm thì yêu cầu trồng lại hoặc không nghiệm thu.
Cần sớm có quy chuẩn cụ thể
Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, cây xanh đô thị có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, nó không những làm đẹp Thành phố làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có ý nghĩa kinh tế và tác dụng phòng hộ, điều tiết cải thiện khí hậu. Tuy nhiên, TS.KTS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng việc trồng cây xanh trên các tuyến đường phố tại Hà Nội chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, việc này thể hiện rõ từ kích thước hố trồng, chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh còn thấp lại dùng chung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè… Đây không phải là môi trường sống lý tưởng cho cây xanh.
“Cây đô thị sau khi được trồng chỉ phát triển bộ rễ luẩn quẩn trong không gian chật hẹp của hố trồng, chưa kể bộ rễ còn bị “xâm hại” khi thi công vỉa hè cùng hệ thống công trình ngầm”, TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đáng nói hơn, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.
Rõ ràng, từ kinh nghiệm của nhiều đô thị lớn trên Thế giới, để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố cũng như các quy định về quản lý cây xanh đô thị, danh mục cây khuyến khích trồng, cây hạn chế trồng và cây cấm trồng trong đô thị để làm cơ sở phục vụ công tác quản lý, phát triển hệ thống cây xanh một cách bền vững.
Anh Tuấn
Nguồn: Báo lao động thủ đô