Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn”

Đứng trước vấn nạn trên và làm sáng tỏ hơn các vấn đề mà dư luận quan tâm, sáng 09/11/2023 Báo Công Thương đã tổ chức toạ đàm với chủ đề: “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn”.

Ảnh toạ đàm
Các khách mời tham dự tại toạ đàm.

Tham dự toạ đàm có: ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Chuyên gia dinh dưỡng, PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia; ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. 

Theo báo cáo xu hướng và tăng trưởng thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6.47% trong giai đoạn dự báo. Thị trường sữa Việt Nam hiện nay, ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc…

Cũng chính bởi sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như: đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…

Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, các “chuyên gia” mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Góc nhìn từ các chuyên gia, nhà quản lý

Sử dụng truyền thông, nhất là mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán hàng là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với xu hướng chung. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự cạnh tranh không lành mạnh đã làm ảnh hưởng tới thị trường, người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Và đặc biệt có một số cơ quan truyền thông cùng tham gia vào quá trình đưa tin chưa đúng về sữa.

Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhìn nhận, không chỉ riêng lĩnh vực sữa, trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.

Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Nhìn dưới góc độ Luật cạnh tranh và Luật bảo vệ người tiêu dùng, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 có quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó có các hành vi có liên quan đến các nội dung đang đề cập như sau:

Thứ nhất, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như: đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Sau đại dịch Covid, chuyển đổi số đã thực sự trở thành một xu hướng, một yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia, các ngành nghề, các doanh nghiệp nhằm tiến tới sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Và theo đó, mạng xã hội đã trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam.

Việc đăng tin, bài, status, hoặc chia sẻ, bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng. Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có những chia sẻ xoay quanh về vấn đề “cho phép doanh nghiệp tự công bố một số sản phẩm là thực phẩm gắn với từ sữa, sau đó lại tự quảng cáo”. 

TS Trần Việt Nga: hiện nay có 3 Bộ quản lý chính về lĩnh vực trên là: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó đã tập trung vào hậu kiểm, phân quyền cho doanh nghiệp.

Cụ thể, các nhóm cần đăng ký và nộp hồ sơ như: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Bên cạnh đó, các sản phẩm khác, doanh nghiệp được tự công bố, tự xây dựng hồ sơ, các quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất, theo hồ sơ chuẩn, đăng tải trên website. Đây cũng là sự hỗ trợ mà theo tôi, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để không phải chờ đợi. Tuy nhiên, cũng cần phải tuân theo đúng các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó hậu kiểm.

Nghị định 15 cũng đã quy định rất rõ các ngành hàng, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ, tiếp nhận bản tự công bố sau đó phân cấp, phân quyền, thanh tra, kiểm tra.

Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép doanh nghiệp tự công bố. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian đã xuất hiện không ít trường hợp doanh nghiệp làm ăn ko chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của Nhà nước.

Về những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, TS Trần Việt Nga thông tin, doanh nghiệp muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát và với các nhóm thuộc quản lý của Cục An Toàn thực phẩm thì chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt. Và các nội dung đó đều được công khai trên Website của Cục An toàn thực phẩn và Bộ Y tế. Bất kỳ đơn vị nào nhận quảng cáo đều có đầy đủ thông tin đối chiếu nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác đều gặp phải, kể cả Cục An Toàn thực phẩm. Khi phát hiện quảng cáo vi phạm, Cục An Toàn thực phẩm đã gửi ngay thông tin cho Bộ Thông tin Truyền thông hay Bộ Công Thương để yêu cầu xác minh chủ trang Website, chủ đường link, quảng cáo trên các sàn giao dịch thương mại điện tử… để họ nắm được thông tin nếu phải gỡ bỏ.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng phản hồi điều này vô cùng khó khăn, vì đa phần các Website đó đều ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, rất khó xác minh được đơn vị chính chủ. Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại chối, không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không phải họ làm quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 tự mua về bán và quảng cáo. Đã có một vài trường hợp bị Bộ Công an bắt giữ và xác minh.

Mặc dù về pháp lý, Luật Quảng cáo đã đưa ra những hành vi cấm không được quảng cáo như: Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vấn đề văn hóa và quảng cáo. Tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38 cũng quy định mức xử phạt dành cho cá nhân lên đến 80 triệu đồng với hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm, còn với tổ chức thì xử phạt sẽ nhân đôi lên đến 160 triệu và phải tháo gỡ những đường link vi phạm đó, nhưng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ và sự lan toả mạnh mẽ các thông tin trên không gian mạng như hiện nay thì việc kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước gặp vô cùng khó khăn.

Liên quan đến “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn” như: hiện tượng đưa thông tin sản phẩm có độ đạm 2,7 gr/100ml mới là “sữa thật”, coi các sản phẩm sữa trái cây và chê bai các loại sữa khác không phải là sữa có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các loại sữa khác là sữa giả. Uống sữa trắng mới là tốt còn những loại khác thì không tốt và đều bị mắc bẫy dinh dưỡng… PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có những chia sẻ cụ thể: 

Hiện nay, tại thị trường trong nước có các loại sữa như: thanh trùng, tiệt trùng, hoàn nguyên… theo quy định, các loại sữa này đều có độ đạm 2,7gr/100l sữa. Đa phần các sản phẩm sữa đều chấp hành và tuân thủ tốt quy định; trong đó, có sản phẩm đảm bảo đủ độ đạm 2,7gr, có sản phẩm lên đến 3,5gr…

Mặc dù, sữa là nguồn mang lại chất đạm và canxi cho các em nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện thêm sản phẩm sữa trái cây, đây là sản phẩm do doanh nghiệp đặt tên. Sữa trái cây thường có độ đạm dưới 1gr/100ml, hay chất béo dưới 1gr/100m. Hiện nay, người tiêu dùng có thể đang hiểu lầm sữa trắng (sữa dạng lỏng, dạng nước, dạng bột) với sữa trái cây là một; mà giá thành của hai loại sữa này cũng tương đương nhau.

Đánh giá về hai loại sữa trên, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, mặc dù có hàm lượng đạm ít hơn, nhưng sữa trái cây cũng có nhiều ưu điểm. Các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu thêm để hiểu đúng khi dùng sữa lỏng, sữa bột, sữa công thức hoặc sữa trái cây khi thay đổi khẩu vị cho con.

Vì sao chế tài đã có nhưng công tác quản lý gặp nhiều khó khăn?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – người đã chứng kiến và nghiên cứu một số chiến dịch truyền thông bẩn liên quan đến hàng hoá, cạnh tranh… đã có những chia sẻ cụ thể về vấn nạn “truyền thông bẩn”… trong ngành sữa hiện nay.

Luật sự Đặng Văn Cường: qua các tư liệu của Báo Công Thương, chúng ta thấy rằng xuất hiện khá nhiều những hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là quảng cáo về sữa. Dưới góc độ pháp lý, những hành vi này là những hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta có Luật Cạnh tranh để đảm bảo cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh về hàng hóa, về chất lượng, về giá cả, về dịch vụ, tạo ra sự đa dạng trong xã hội, tạo ra cơ hội để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn và những doanh nghiệp chân chính có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh cũng có những quy định cấm cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra những thông tin hoặc là những hình thức để dìm hàng đối thủ. Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung những quy định để xác định những hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, chế tài về cạnh tranh đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự. Trong Điều 217 của Bộ Luật hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, hình phạt này áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Chế tài và pháp luật đều đã có quy định nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém, hạn chế vì lợi ích cá nhân, ganh ghét đối với các đối thủ lĩnh vực. Chính vì vậy đã bất chấp để đưa ra truyền thông bẩn, thông tin bịa đặt, xuyên tạc nhằm hạ gục đối thủ. Đây là hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật.

Vấn đề thứ hai, sự đa dạng của các hình thức quảng cáo. Quảng cáo ở trên các nền tảng mạng xã hội đôi khi mang lại nhiều hiệu quả trực tiếp. Nhưng, những người quản lý các trang mạng đó lại tự do đăng tải khi mà chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì sự việc đã bị lan truyền rộng rãi.

Vấn đề thứ ba, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng cố ý thực hiện hành vi phạm. Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, về phương tiện kỹ thuật… thời gian đây gần đây hành vi vi phạm trên không gian mạng phát triển rất nhanh, có thể kể đến hành vi lừa đảo, những hành vi vi phạm về quảng cáo. Nguyên nhân chủ yếu nhất là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều tiện ích khiến cho việc quản lý còn nhiều khó khăn. Từ những vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng cũng như là các thông tin liên quan đến việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm, để xác định có phải là một chiến dịch hay chiến dịch truyền thông bẩn hay không; truyền thông bẩn xác định góc độ là ở mức độ như thế nào, ai người thực hiện hành vi đó, thì cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng. Từ đó, xác định đâu là hành vi quảng cáo đúng theo Luật Quảng cáo và đâu là hành vi vi phạm về quảng cáo.

Hiện nay, xét về đề này thì có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm….

4 văn bản pháp luật kể trên có liên quan trực tiếp đến các hoạt động quảng cáo về sữa. Giả sử các trường hợp quảng cáo mà xuất hiện quá nhiều, dày đặc, những nội dung có tính chất thường xuyên, cạnh tranh không lành mạnh; so sánh trực tiếp hoặc đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng là những thông tin đó vi phạm Luật Quảng cáo và vi phạm Luật Cạnh tranh. Với những hành vi như vậy thì chủ thể bị xâm phạm có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng, Cục Cạnh tranh để xem xét, điều tra, xác minh, xử lý; đồng thời khởi kiện ra tòa án.

Với các trường hợp đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể đưa sự việc đó ra cơ quan điều tra để xem xét xử lý. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trong việc này, các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét để làm rõ. Để tránh việc bị mắc bẫy lừa; người tiêu dùng cũng cần phải tỉnh táo khi tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội, thông tin chưa được kiểm chứng… thông tin có ác ý, có tính chất xuyên tạc để cạnh tranh không lành mạnh.

Những đề xuất từ các chuyên gia 

Đứng về góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về hiện tượng quảng cáo cực đoan, nhân danh bác sĩ, dược sĩ khuyên dùng… chê sản phẩm này, khen sản phẩm kia, nguỵ tạo “bẫy dinh dưỡng”, “độ đạm cao mới là sữa thật còn lại là giả” khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng không biết thông tin nào mới chính xác.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý. Đặc biệt, hiện nay Chính phủ đã chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, điều này rất tiện cho doanh nghiệp, nên công tác hậu kiểm cũng cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn.

“Truyền thông bẩn” đó là rác rưởi thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội. Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh và đưa ra các đề xuất:

Thứ nhất, lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.

Thứ hai, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh, an toàn.

Trước chia sẻ của ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế rất đồng tình và cho biết: vấn đề quảng cáo dù bất kể dưới hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế cùng những phát ngôn, nhận xét của họ, hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm. Trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 cũng đã nêu rõ về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng “tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh”…

z4863159494980_81bfe9d2f1e8895ae05d24f1e728970d
Các khách mời hào hứng chia sẻ về chủ đề quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” rất được quan tâm hiện nay.

Phải chăng đã đến lúc cần phải sửa đổi ngay một số điều trong các Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật để làm lành mạnh thị trường?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, ngoài những văn bản luật như: Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm thì cần thực hiện trực tiếp nhiều văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định. Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng về sữa cho trẻ em có hai văn bản: Nghị định 100 của Chính phủ ban hành năm 2014 và Nghị định số 15, ban hành năm 2018. Trong đó, Nghị định 100 ban hành từ năm 2014 đến nay gần 10 năm, mà thực tế hiện nay xã hội đã có rất nhiều sự thay đổi. Đặc biệt, các công ty xuyên quốc gia và những công ty hoạt động trên các nền tảng số đang thực hiện các hoạt động quảng cáo cũng như bán hàng vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với những hành vi vi phạm thì phạm vi điều chỉnh của các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng; khi phát hiện những vụ việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia thì việc xử lý sẽ gặp khó khăn.

Qua theo dõi những vụ việc liên quan đến cạnh tranh cũng như liên quan đến các hoạt động quảng cáo, tôi cho rằng, Nghị định 100 và Nghị định số 15, cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm. Đã đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi Nghị định, chúng ta có những nội dung xác thực, đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tế.

Về câu chuyện sửa luật hoặc sửa những văn bản dưới luật, theo Luật sư Đặng Văn Cường, đó là nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động lập pháp cũng như tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật. Tuy nhiên sửa thời điểm nào, sửa nội dung nào cũng cần cân nhắc và tổng hợp. Một quy trình từ chính sách, thể chế hóa thành pháp luật đến tổ chức thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn và soi lại chính sách, điều chỉnh lại chính sách, hoàn thiện chính sách, sửa đổi pháp luật. Một cách tổng thể vì pháp luật là một trong những hình ảnh xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Bởi vậy, khi xã hội càng phát triển thì nó đòi hỏi sự thay đổi của pháp luật. Vấn đề là chắc chắn là sửa, nhưng sửa thời điểm nào, sửa nội dung nào thì cần phải đánh giá về thực tiễn cũng như đặt văn bản trong bối cảnh toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống chỉnh thể để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp. 

Liên quan đến 02 văn bản mà Luật sư Đặng Văn Cường đề cập, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhìn nhận, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về cạnh tranh như đã từng phối hợp với Hiệp hội sữa Việt Nam trong thời gian qua, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp sữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng chính sách tuân thủ đáp ứng không chỉ quy định pháp luật về cạnh tranh mà còn đáp ứng các quy định pháp luật khác điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa; từ đó hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và hành vi vi phạm quy định pháp luật khác nói chung. Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát, công tác giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy đinh pháp luật về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.

Đại diện cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang hoạt động có thể nói là 2 vai.

Thứ nhất, phải phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Thứ hai, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vì vậy, chúng tôi luôn luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này. Đi vào hoạt động cụ thể của Hội, hoạt động đầu tiên của chúng tôi là tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật; thứ hai là tiếp nhận tố cáo của người tiêu dùng.

Trong 5 năm qua chúng tôi hoạt động độc lập và đã làm được rất nhiều hoạt động truyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hội nghị. Chúng tôi luôn phổ biến về 8 quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có quyền: của người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng và đúng tiêu chuẩn quốc gia… đặc biệt là thực phẩm và sữa. Ngoài hội Trung ương thì chúng tôi có cả các Hội địa phương, ở đó gần với người tiêu dùng hơn; do đó tuyên truyền vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, công tác xử lý, tư vấn giải quyết khiếu nại, tổng kết riêng về lĩnh vực thực phẩm, việc đầu tiên chúng tôi làm về vụ khiếu nại của người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, bữa cơm trưa một cơ sở gây ngộ độc, Trung ương hội phải vào và làm việc với cơ quan chức năng và cơ sở đó phải xin lỗi người tiêu dùng, bồi thường hoàn toàn thiệt hại. Đây là vụ việc điển hình, sự việc này đối với tỉnh Bến Tre khi đó là 1 sự rúng động, lần đầu tiên có 1 cơ sở cung cấp thức ăn bị đưa ra xử lý. Còn lại những vụ việc nhỏ lẻ khác chúng tôi thống kê rất nhiều.

Tại toạ đàm, để góp phần làm lành mạnh hoá thị trường sữa gắn với thực thi Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin, thời gian tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh tới các doanh nghiệp sữa. Đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành sữa, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác. Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, vui lòng phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đối với cơ quan truyền thông, cần kiểm tra, rà soát lại nội dung khi đưa tin về sản phẩm, dịch vụ. Xem xét kỹ xem thông tin về sản phẩm đã được kiểm duyệt, kiểm chứng hay chưa, tránh tiếp tay cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Qua những nội dung tại toạ đàm “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn” có thể nhận thấy, các doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam đã, đang và liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng, độ hiệu quả nhằm đem lại những sản phẩm vàng cho người tiêu dùng. Nhưng nếu không được bảo vệ trước những chiêu trò truyền thông bẩn của một số đơn vị không uy tín, không dám cạnh tranh lành mạnh thì ít nhiều doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng và thị trường cũng sẽ bị nhiễu loạn.

Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định nghiêm ngặt và các chế tài xử phạt những đối tượng, phương tiện lan truyền những thông tin sai sự thật, quản lý và kiểm soát chặt nội dung truyền thông. Chỉ có như vậy thì ngành sữa Việt Nam mới được nâng tầm và phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết để lựa chọn được những sản phẩm phù hợp và chất lượng.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích