Quản lý Thị trường Nam Định duy trì cải tiến theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

Theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh Nam Định, hiện nay, việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ( HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước là yêu cầu và tất yếu khách quan theo Quyết định 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm qua, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã triển khai và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này trong hoạt động của đơn vị. Việc áp dụng các quy trình trong hoạt động đã mang lại hiệu quả, tính chuyên nghiệp và ưu việt trong hoạt động.

Tuy nhiên, do cơ chế chính sách thay đổi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như xuất hiện một số bất cập, khó khăn trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, cũng như thực hiện Quyết định 72/QĐ-TCQLTT ngày 18/01/2022 của Tổng cục QLTT về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 năm 2022, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình cho phù hợp thực tiễn. 

Nam Định đánh giá hiệu quả, duy trì cải tiến theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Ảnh: Cục QLTT Nam Định 

Đồng thời, Cục QLTT tỉnh Nam Định phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Quốc tế và Hỗ trợ kỹ thuật cao tổ chức đánh giá hiệu quả, duy trì cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các thành viên Ban chỉ đạo; tổ công tác giúp việc triển khai áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Quốc tế và Hỗ trợ kỹ thuật cao đã phổ biến, hướng dẫn một số vấn đề về thực hiện ISO tại đơn vị đã chỉ ra một số công việc mà theo quy định, Cục QLTT tỉnh Nam Định phải được thực hiện nhưng chưa thực hiện, cần thực hiện và bổ sung trong thời gian tới. thống nhất việc duy trì, cải tiến cũng như bãi bỏ một số quy trình. Ban chỉ đạo về ISO của Cục cũng đề ra việc mở rộng quy trình trong thời gian tới.

Thông qua buổi đánh giá, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định cũng cho rằng, cần phải cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho việc áp dụng Hệ thống tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào công tác của từng vị trí, đơn vị cụ thể. Hiểu rõ và xác định được vai trò và quy trình áp dụng Hệ thống trong công tác. Xác định được tầm quan trọng của việc áp dụng Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của đơn vị, tập thể lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các phòng, Đội trực thuộc Cục rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp. Từ đó, tạo sự gắn kết, thống nhất trong hoạt động điều hành, tham mưu thực hiện nhiệm vụ và đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trong thời gian tới cần giúp cho hoạt động của đơn vị mang tính chính quy, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Nói tới Tiêu chuẩn ISO 9001, đây là tiêu chuẩn nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO 9000 – Bộ tiêu chuẩn quốc tế được duy trì bởi tổ chức ISO, có mục tiêu trợ giúp các tổ chức xây dựng, áp dụng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng có hiệu lực. Trong đó, ISO 9001 được xem là tiêu chuẩn trung tâm quan trọng nhất của bộ tiêu chuẩn ISO 9000. Tên đầy đủ của Tiêu chuẩn: ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng.

ISO 9001 là một Tiêu chuẩn đưa ra các nguyên tắc, nguyên lý và yêu cầu để thiết lập được một hệ thống quản lý chất lượng trong doanh nghiệp và áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp không phân biệt quy mô hay loạI hình sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ.

ISO 9001 do Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO ban hành từ năm 1987 và đã trải qua 4 lần soát xét và hoàn thiện từ Phiên bản ISO 9000 năm 1987; ISO 9001:1994; ISO 9001:2000; ISO 9001:2008; và ISO 9001:2015. ISO – là tên viết tắt của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO (http://iso.org/), Ủy ban ISO là một Tổ chức phi Chính Phủ có nhiệm vụ xây dựng các Tiêu chuẩn áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên với mục tiêu tạo sự tương đồng về hệ thống Tiêu chuẩn trên toàn thế giới.

ISO 9001 được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng của các chuyên gia và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực sản xuất trên toàn thế giới. ISO 9001 tập trung vào thiết lập một hệ thống quản lý để đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, tiến tới nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm/dịch vụ.

Bản chất của ISO 9001 quy định rõ Việc – rõ Người – rõ Cách làm. Theo đó các tổ chức cần chuẩn hóa các hoạt động của các công đoạn thành các quy trình/hướng dẫn vận hành để đảm bảo mọi vị trí trong tổ chức nắm bắt được công việc mình cần triển khai, thực hiện – Đây là rõ việc

Lãnh đạo của tổ chức cần quyết định lựa chọn, chỉ định một số nhân sự chủ chốt của các bộ phận để tạo thành nhóm nhân sự để triển khai xây dựng và áp dụng ISO, những nhân sự này cần nắm rõ được công việc, trách nhiệm, quyền hạn của từng người trong bộ phân mình để xây dựng được quy trình/hướng dẫn cụ thể, phù hợp nhất với từng vị trí công việc – Đây là rõ người.

Các quy trình/hướng dẫn vận hành cần đảm bảo cụ thể, chính xác và được chia thành các bước thực hiện dễ dàng triển khai, thực hiện cho từng vị trí trong tổ chức – Đây là rõ cách làm. 

Nhờ đó doanh nghiệp/tổ chức kiểm soát được quá trình sản xuất và đảm bảo được chất lượng sản phẩm/dịch vụ ổn định, tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích