Quản lý tài nguyên nước tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Đảm bảo tiếp cận, sử dụng nước công bằng
Quản lý tài nguyên nước tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Đảm bảo tiếp cận, sử dụng nước công bằng
Xác định tài nguyên nước (TNN) giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, giúp địa phương phát triển
Kiểm soát chặt chất lượng nguồn nước
Trong thời gian qua, xác định được tầm quan trọng của nguồn TNN đối với cuộc sống của người dân địa phương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nguồn TNN; thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ: Đá Bàng, Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Suối Các, Núi Nhan, Châu Pha, Kim Long, Suối Nhum.
Cùng với đó, kiên quyết di dời các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước; ban hành danh mục các ngành không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vùng thượng nguồn các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân; nghiêm cấm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, thường xuyên vận hành quan trắc nước mặt, nước dưới đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khu vực đất liền và huyện Côn Đảo để quan trắc và giám sát được mực nước, động thái và chất lượng nguồn nước; công bố các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; tăng cường thống kê, điều tra các giếng không sử dụng và trám lấp các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Với tinh thần thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, bảo vệ TNN, đến nay, cơ bản các nguồn thải có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát; chất lượng môi trường nước và vấn đề đảm bảo an toàn cho các tuyến dẫn nước về hồ cấp nước sinh hoạt của tỉnh ngày càng được quan tâm bảo vệ và cải thiện; chất lượng nguồn nước sinh hoạt được tỉnh công bố hàng năm đều đạt chuẩn theo quy định”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu… trên địa bàn tỉnh, ngày 04/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 251-KH/TU về việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đạt 100% tỷ lệ dân số ở thành thị được cung cấp nước sạch; 95% tỷ lệ dân số ở nông thôn sử dụng nước máy từ các hệ thống cấp nước tập trung theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, nhất là tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực của huyện Côn Đảo.
Đến năm 2030 sẽ bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội; tỷ lệ dân số ở thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước theo quy chuẩn là 99%; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước các lưu vực sông lớn.
Đến năm 2045, bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở thành phố, thị xã và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai…
Theo ông Nguyễn Công Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thực hiện Kế hoạch số 251-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bằng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu bảo đảm năng lực cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; khai thác, sử dụng tiết kiệm, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt, thiếu nước; đảm bảo mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị