Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả; góp phần phát triển KT-XH theo hướng bền vững.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 160 hồ thủy lợi, với tổng dung tích trên 680 triệu m3 nước. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 278 đập dâng trên sông, 286 trạm bơm phục vụ cấp nước cho gần 90% diện tích đất canh tác, sản xuất. 148 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất trên 128.050 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân đô thị và nông thôn.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước (TNN). Đồng thời, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn TNN hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Được giao quản lý, khai thác 63 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Còn ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng TNN và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), nhìn nhận: Công tác thực thi pháp luật TNN của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật TNN của các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng TNN có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, nguồn TNN được khai thác hiệu quả, tiết kiệm; đảm bảo khả năng cấp nước phục vụ dân sinh và các hoạt động phát triển KT-XH theo hướng bền vững.

tm-img-alt
Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Trong ảnh: Đập An Thuận (thuộc địa bàn xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết nước, phục vụ sản xuất và dân sinh. Ảnh: V.L

Để quản lý, bảo vệ TNN hiệu quả hơn nữa, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch TNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 – nội dung phân bổ và bảo vệ TNN mặt. Ban hành quyết định phê duyệt Danh mục 261 ao, hồ, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất gồm 74/104 xã, phường, thị trấn và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất gồm 103/104 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, gồm 47 đoạn sông, suối; 5 hồ chứa thủy điện; hơn 160 hồ chứa thủy lợi; 3 đầm; 12 hồ trong đô thị, khu dân cư tập trung.

Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương còn tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN.

Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay: Hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22.3) và Ngày Khí tượng thế giới (23.3). Tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử và giá trị sử dụng của các dòng sông trên địa bàn tỉnh”; Hội thi vẽ tranh “Nước ngầm – Dòng sông và thực vật” cho học sinh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh. Vận động cộng đồng tham gia bảo vệ TNN; trồng rừng bảo vệ nguồn nước; không lấn chiếm sông, hồ…

Mặt khác, đơn vị chú trọng thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về TNN. Hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định về thăm dò, khai thác, sử dụng TNN; xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên yêu cầu các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về TNN.

*Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN. Tổ chức kiểm tra, yêu cầu các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh quản lý nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật về TNN. Thực hiện giám sát việc khai thác, sử dụng TNN theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14.10.2021 của Bộ TN&MT; hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước ngày 31.12.2023.

* 9 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 quyết định tính tiền cấp quyền khai thác TNN; 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 6 giấy phép khai thác nước dưới đất; 1 giấy phép khai thác nước mặt. Sở TN&MT cấp 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 1 giấy xác nhận đăng ký khai thác nước biển.

Sở TN&MT lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về TNN đối với 4 cơ sở. Qua kiểm tra, các cơ sở có một số vi phạm liên quan đến thủ tục báo cáo hành nghề khoan; lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khai thác, sử dụng nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích