Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích

 Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích. Ảnh minh họa.

Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp các bên liên quan bên ngoài. Trong đó, doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo cần giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ dưới các hình thức khác nhau vì sở hữu trí tuệ gắn chặt chẽ với đổi mới sáng tạo.

Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property, IP) đề cập đến những sáng tạo độc đáo, giá trị gia tăng dựa trên trí tuệ con người, kết quả từ sự khéo léo, sáng tạo của con người. Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, còn quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Rights, IPR) là các quyền phát sinh từ các loại sở hữu trí tuệ khác nhau.

Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản trí tuệ để tối đa hóa lợi ích liên quan đến đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí. Quản lý sở hữu trí tuệ cho phép hợp tác với các đối tác, đối thủ cạnh tranh và khách hàng, nâng cao kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Quản lý sở hữu trí tuệ có thể tạo ra giá trị thông qua hợp tác và là động lực mới về doanh thu của doanh nghiệp.

Nói cách khác, quản lý tài sản trí tuệ bao gồm các hoạt động nhằm hình thành, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; giữ gìn, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản trí tuệ; quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ…

Xuất phát từ Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (IMS), một số nguyên tắc dưới đây cung cấp nền tảng cho quản lý sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau: Thứ nhất là hiện thực hóa giá trị, việc quản lý tài sản trí tuệ sẽ tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan, bao gồm: giá trị dài hạn và ngắn hạn; giá trị cụ thể và giá trị tiềm ẩn; giá trị tài chính và phi tài chính.

Thứ hai là sự quan tâm của ban lãnh đạo, khi bắt đầu một sáng kiến đổi mới sáng tạo, ban lãnh đạo của doanh nghiệp cần truyền cảm hứng, thu hút nhân viên và các bên liên quan để bảo vệ và tận dụng tài sản trí tuệ nhằm tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.

Thứ ba là định hướng chiến lược, doanh nghiệp sắp xếp định hướng chiến lược tổng thể cho việc quản lý IP với các chiến lược kinh doanh và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư là về văn hóa, doanh nghiệp thúc đẩy, duy trì các giá trị và hành vi được chia sẻ trong doanh nghiệp nhằm khai thác tài sản trí tuệ để tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.

Thứ năm là khai thác thông tin chuyên sâu, doanh nghiệp sử dụng kiến thức sở hữu trí tuệ (bên trong và bên ngoài) để xây dựng kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ các nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ sáu là phương pháp hệ thống, doanh nghiệp quản lý IP dựa trên phương thức tiếp cận có hệ thống nhằm giảm rủi ro doanh nghiệp, tăng cường tiềm năng tạo giá trị cho doanh nghiệp…

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích