Quản lý hiệu quả năng lượng ngành dầu khí, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

Ảnh minh họa

Phát thải khí nhà kính trong ngành dầu khí

Với mức phát thải khí nhà kính khoảng 400 triệu tấn CO₂ tương đương, lĩnh vực năng lượng chiếm tới hai phần ba tổng phát thải quốc gia. Dù ngành dầu khí chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng phát thải của ngành năng lượng, các doanh nghiệp dầu khí vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp giảm thiểu phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hướng tới phát triển bền vững.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, lượng phát thải của tập đoàn chỉ chiếm khoảng 7% tổng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng, tương đương 19,5 triệu tấn CO₂ vào năm 2020. Sở dĩ PVN có mức phát thải thấp là nhờ hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại hơn so với mặt bằng chung trong ngành. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát thải của PVN dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp điện.

Nhằm giảm thiểu lượng phát thải, PVN đã đặt mục tiêu cắt giảm 15,55 triệu tấn CO₂ vào năm 2025 so với mức phát thải cơ sở năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ xanh như thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCS/CCUS), phát triển các dự án năng lượng sạch như hydrogen và NH3 xanh, cùng với chuỗi giá trị thu hồi và lưu trữ các-bon.

Với đặc điểm tiêu thụ nhiều nhiên liệu và phát thải lớn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang triển khai 12 giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự kiến từ năm 2018 đến 2030, PV Power sẽ cắt giảm được tổng cộng hơn 233.000 tấn CO₂e. Các giải pháp này tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, và áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Lãnh đạo PV Power cho biết, để phát triển bền vững, doanh nghiệp luôn khuyến khích sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, đồng thời nghiên cứu các nguồn nhiên liệu thay thế và công nghệ giảm phát thải tiên tiến, nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng và mục tiêu giảm thiểu phát thải ròng.

Đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng

Trước xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thu hồi và lưu trữ CO₂, sản xuất sản phẩm xanh, chế biến khí có hàm lượng CO₂ cao, và phát triển điện gió ngoài khơi. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đóng góp vào cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam vào năm 2050.

Ngành dầu khí đang đối mặt với nhiều thách thức, từ suy giảm sản lượng khai thác, chi phí thăm dò ngày càng cao, đến việc khó khăn trong việc phát hiện các mỏ mới. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu và phát triển các công nghệ khai thác tiên tiến, cùng với sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, là những giải pháp thiết yếu giúp ngành dầu khí vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội mới.

Ngành dầu khí Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và phân tích dữ liệu lớn. Việc đầu tư vào công nghệ số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giảm thiểu lượng khí thải, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Những năm qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng đã xây dựng, triển khai lộ trình chuyển dịch năng lượng với định hướng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm, tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) theo hình thức các “Hub nhập khẩu” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các loại nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí; nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia đã trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về kiến thức và công nghệ cơ khí, điện và máy tính (thủ đô Teheran, CH Hồi giáo Iran, tháng 3/2024), việc quản lý năng lượng hiệu quả trong ngành dầu khí có thể giúp giảm đến 30% năng lượng tiêu thụ và tiết kiệm chi phí đáng kể. Ngoài ra, áp dụng các giải pháp công nghệ như hệ thống quản lý năng lượng (EnMS), sử dụng năng lượng tái tạo, và giám sát hiệu suất liên tục là những yếu tố then chốt giúp ngành dầu khí giảm dấu chân carbon, tối ưu hóa quy trình, và nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, bên cạnh việc sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm các loại phát thải khí nhà kính, trồng cây gây rừng là giải pháp chính yếu thứ hai giúp các doanh nghiệp tích lũy tín chỉ các-bon để được quy đổi tỷ lệ phát thải. “Với doanh nghiệp, việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ các-bon bù đắp phần phát thải”.

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, ngành dầu khí đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Các doanh nghiệp dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung như: PVN đến PV Power, PV Gas đều đang tích cực triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến và chiến lược chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để ngành dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích