Quản lý hè phố trong đô thị
Quản lý hè phố trong đô thị
Quản lý hè phố trong đô thị đang là vấn đề nóng hiện nay khi mà nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội, đang rầm rộ ra quân để quyết tâm giành lại hè cho người đi bộ.
Nhìn nhận và giải quyết câu chuyện về hè phố trong đô thị không thể tách rời với năng lực, trình độ quản lý đô thị; trình độ phát triển về kinh tế – xã hội cùng các yếu tố tác động của tự nhiên, lịch sử, văn hóa, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật của người dân
Khái quát về thực trạng sử dụng và quản lý hè phố trong đô thị
Quản lý hè phố trong đô thị đang là vấn đề nóng hiện nay khi mà nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội, đang rầm rộ ra quân để quyết tâm giành lại hè cho người đi bộ.
Đã từ lâu rồi, tình trạng lấn chiếm, sử dụng hè phố vào nhiều mục đích khác nhau như để kinh doanh buôn bán, ẩm thực, trông giữ các phương tiện giao thông… đã diễn ra phổ biến tại nhiều thành phố lớn và đặc biệt tại các quận nội thành Hà Nội. Nhiều cửa hàng tranh thủ lấn chiếm một phần hè phố để bày bán kinh doanh các mặt hàng tạp hoá, giầy dép, quần áo, hoa quả, thực phẩm… hoặc bày bàn ghế để phục vụ ăn, uống; một phần khác dành cho đỗ xe đạp, xe máy…
Vì thế, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường đặc biệt tại những nơi chiều rộng hè phố quá nhỏ, hẹp. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông. Nhiều tuyến đường ở TP.HCM, rất nhiều hè phố bị tái lấn chiếm với mức độ nghiêm trọng hơn, xe bán đồ ăn, thức uống, đồ chơi cho trẻ em, xe máy, bảng quảng cáo dựng dọc các hè, cản trở hoặc không còn lối đi cho người đi bộ.
Không chỉ xe máy, ô tô cũng đang chiếm dụng hè phố để làm nơi đỗ xe. Với việc tính toán, thiết kế, thi công kết cấu hè chủ yếu chỉ để dành cho người đi bộ thì nhiều hè phố hiện nay là nơi đỗ ô tô đỗ không kiểm soát vì thế cũng đã góp phần “phá nát” kết cấu của hè đường.
Nhiều bốt điện, tủ điện, tủ kỹ thuật, bảng hiệu quảng cáo với kích thước to nhỏ khác nhau… được lắp đặt trên nhiều tuyến hè phố và có lẽ cũng chẳng theo quy luật nào (về khoảng cách, hướng đặt…) đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi bộ của người dân nhất là người khuyết tật.
Nhiều thùng rác, xe chở rác, nơi tập kết tạm thời rác sinh hoạt cũng sử dụng một phần hè phố gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường…
Do vậy, nhìn nhận và giải quyết câu chuyện về hè phố trong đô thị không thể tách rời với năng lực, trình độ quản lý đô thị; trình độ phát triển về kinh tế – xã hội cùng các yếu tố tác động của tự nhiên, lịch sử, văn hóa, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó năng lực quản lý phát triển đô thị và ý thức của người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Xác định đúng và đầy đủ chức năng của hè phố đô thị
Hè phố là một bộ phận của đường phố đô thị và theo quy định chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Tuy nhiên, trong đô thị, thông qua nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn cho thấy hè phố còn đảm nhiệm một số chức năng cơ bản bao gồm:
Không gian cho giao thông
Đây là chức năng chính của hè phố. Là không gian dành cho người đi bộ chính vì vậy hè phố cần phải đảm bảo an toàn, an ninh, thuận tiện và thuận lợi cho người đi bộ với tư cách là người tham gia giao thông.
Mặt khác tuỳ vào từng điều kiện và khu vực cụ thể được sự cho phép của chính quyền đô thị thì hè phố còn có thể là nơi bố trí đỗ xe đạp, xe máy thậm chí cả ô tô (rất thiết yếu trong điều kiện của Việt Nam hiện nay).
Ngoài ra, hè phố còn là không gian chuyển tiếp/tiếp cận giữa lòng đường và các công trình như: Nhà ở, nhà cao tầng, trường học, cửa hàng dọc phố, cơ quan, công sở, trung tâm thương mại…; đồng thời cần bảo đảm an toàn cho người dân ra vào các công trình này.
Không gian để bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị
Dưới nền hè phố thông thường để bố trí các công trình hào, tuy nen kỹ thuật hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật theo tuyến như: đường dây cấp điện, chiếu sáng; đường cáp quang; đường ống cấp nước, cống thoát nước…
Là nơi đặt các thiết bị, tiện ích đô thị: Nhà chờ/điểm chờ xe buýt, cột điện, biển quảng cáo, cây xanh, thùng rác, ATM, hoặc ghế ngồi và các tiện ích khác…
Không gian công cộng
Là nơi tổ chức một số hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao… và sinh hoạt cộng đồng của đô thị.
Hè phố là nơi mọi người có thể lui tới, thư giãn, gặp gỡ lẫn nhau hoặc đi lại tản bộ trò chuyện… Đây chính là không gian công cộng đô thị rất có giá trị, giúp người dân đô thị tăng “cảm nhận cộng đồng”, khách vãng lai có được “cảm nhận nơi chốn”…
Không gian của các hoạt động kinh tế, xã hội
Hè phố là nơi mưu sinh của nhiều người lao động, thậm chí nhiều gia đình phụ thuộc vào hè phố là nơi kiếm sống, với nền kinh tế phi chính thức đang phát triển thì hè phố cung cấp rất nhiều việc làm trong đô thị nhất là cho những người nhập cư từ nông thôn ra dưới các dạng bán hàng rong, xe ôm, giúp việc nhà, bốc vác, xây dựng… Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân và cũng phần nào là kinh tế đô thị và cũng như vậy có thể nói là nếu thiếu hàng quán vỉa hè, Hà Nội mất đi nét đẹp riêng gắn bó với nhiều thế hệ người Thủ đô.
Thông qua phân tích ở trên, trong đô thị, nếu thuần tuý trong quản lý chỉ bảo đảm chức năng giao thông như hiện nay thì chỉ đúng nhưng không đủ. Vì vậy, cần phải quản lý đầy đủ theo chức năng, phù hợp với yêu cầu sử dụng và sinh hoạt của người dân; góp phần tạo nên môi trường đô thị tiện nghi, an toàn, đồng bộ và bền vững.
Một số yêu cầu cơ bản đối với hè phố
Để hè phố đảm nhiệm đầy đủ chức năng của nó đồng thời ưu tiên đảm nhận chức năng giao thông như là một không gian dành cho người đi bộ, một số yêu cầu cơ bản đối với hè phố bao gồm:
– Phải là nơi tiếp cận dễ dàng đối với mọi đối tượng tham gia giao thông (bao gồm cả người khuyết tật);
– Đảm bảo an toàn cho người sử dụng: Không có chướng ngại vật gây vấp, ngã… vật liệu lát hè phải đảm bảo chịu lực cao theo quy định, không lún, sụt, nứt, gãy, vỡ; mặt hè phố phải bằng phẳng, không trơn trượt;
– Đảm bảo người tham gia giao thông di chuyển được liên tục và thuận tiện, hạn chế/không phải đi xuống lòng đường…;
– Đảm bảo môi trường kiến trúc cảnh quan đẹp, có bản sắc;
– Đảm bảo thuận lợi, thuận tiện và an toàn cho một số hoạt động công cộng, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức theo quy định.
Quy định của pháp luật về quản lý hè phố
Ngay từ những năm 2006 – 2007, Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về đường đô thị đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008, về Hướng dẫn quản lý đường đô thị. Trong Thông tư này đã quy định khá kỹ và cụ thể, chi tiết về quản lý, khai thác và sử dụng đường đô thị.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại Khoản 1, Điều 36, quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội… tuân thủ theo quy định tại Khoản 1, Điều 35. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông (khoản 2 Điều 36).
Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông. Tuy nhiên, đều phải đảm bảo yêu cầu là không được gây mất trật tự, an toàn giao thông và đáp ứng một số điều kiện cụ thể khác về thời gian, diện tích hè phố, lòng đường sử dụng, kết cấu hạ tầng…
Các các văn bản liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đều đã có các quy định cụ thể về mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm hè phố và lòng đường.
Đồng thời với các quy định về quản lý mang tính kỹ thuật, các quy định pháp luật hiện hành đều giao cho UBND các cấp, tuỳ theo điều kiện địa phương, có trách nhiệm ban hành các quy định cũng như tổ chức triển khai thực hiện theo phân cấp về quản lý đường đô thị.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hè phố trong đô thị
Nguyên tắc quản lý hè phố phải theo nguyên tắc tổng hợp bởi vì bản chất hè phố chính là một công trình tổng hợp. Một trong những phương thức để quản lý hè phố là quản lý theo chức năng hè phố, một số giải pháp đề xuất như sau:
– Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan đến các yếu tố đặc thù về quản lý đường phố đô thị trong sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 và hiện nay là dự thảo Luật Đường bộ. Luật hóa chức năng của đường phố (lòng đường, hè phố…), ngoài chức năng chính đảm bảo các yêu cầu về giao thông, đường phố đô thị còn tham gia vào các hoạt động chung của đô thị (quản lý đường phố đô thị khác với quản lý đường ngoài đô thị như quốc lộ, tỉnh lộ…).
– Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch giao thông trong quy hoạch đô thị trong đó mạng lưới đường phải được phân cấp, phân loại đường rõ ràng, cụ thể phải bảo đảm đủ chiều rộng tối thiểu của lòng đường, hè phố tương ứng với phân cấp, phân loại đường theo quy chuẩn/tiêu chuẩn quy định. Mạng lưới các điểm đỗ, bến, bãi đỗ xe phải cụ thể bao gồm quy mô, vị trí, địa điểm các điểm đỗ, bến, bãi đỗ (theo các hình thức trên cao, trên mặt đất và dưới mặt đất) phải bảo đảm kết nối thuận lợi, thuận tiện với các khu chức năng của đô thị.
– Lòng đường, hè phố phải được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đúng, đủ chiều rộng theo quy hoạch đô thị. Việc cải tạo chỉnh trang các tuyến hè phố phải thực hiện đồng bộ với các dự án hạ ngầm đường dây, đường cáp và xây dựng đường ống cấp, thoát nước nhằm giảm thiểu đào lên lấp xuống.
Vật liệu lát hè phải đảm bảo chịu lực (kể cả trong các trường hợp cho phép sử dụng tạm thời là nơi đỗ xe máy, ô tô) và phù hợp với môi trường, khí hậu của mỗi địa phương, không trơn trượt; đồng thời về hình dạng, kích thước, màu sắc của vật liệu lát hè trên một tuyến phố hoặc một đoạn tuyến phố nên có sự thống nhất.
– Điều tra, khảo sát đánh giá tổng hợp công tác quản lý hè phố trong các đô thị. Căn cứ vào chức năng của hè phố, tổ chức không gian theo quy hoạch đô thị và điều kiện cụ thể của mỗi đô thị (năng lực quản lý, chiều rộng lòng đường và hè phố, ý thức của người dân…) tổ chức phân loại theo chức năng các hè phố để thực hiện quản lý sử dụng theo các hướng:
(1) Các khu vực,tuyến phố/hè phố chỉ được sử dụng vào mục đích giao thông và bảo đảm an ninh, quốc phòng;
(2) Cho phép sử dụng hè phố với đa chức năng đáp ứng nhu cầu của người dân;
(3) Xác định các khu vực/tuyến phố/hè phố cho phép hàng rong được hoạt động;
(4) Xác định các tuyến phố/hè phố cho phép đỗ xe đạp, xe máy, ô tô theo thời gian (hạn chế hay không hạn chế về thời gian đỗ), có thu phí hoặc không thu phí;
(5) Quy định các tuyến phố/hè phố cho phép kinh doanh hàng hoá hay để bàn ghế ăn uống có thu phí hoặc không thu phí.
Trước mắt tiến hành rà soát, sắp xếp chỗ để xe đạp, xe máy trên hè phố của các hộ gia đình, cá nhân để không làm cản trở giao thông, dành diện tích hè phố cho người đi bộ; các chủ hộ kinh doanh, nhà hàng, doanh nghiệp phải bố trí, sắp xếp khu vực dừng đỗ, trông giữ phương tiện đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng và cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị, không lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi đỗ xe, trông giữ phương tiện trái quy định.
– Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người dân nhất là các hộ gia đình có mặt tiền đường phố trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn. Đồng thời tăng cường quản lý và kiểm tra, kiên quyết giải tỏa lấn chiếm hè phố theo quy định.
– Phân cấp quản lý hè phố cho UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý lòng đường/hè phố.
Kết luận
Các hoạt động trên hè phố rất đa dạng và sống động. Điều này làm nên sức sống và là nét văn hóa độc đáo cho một đô thị. Nếu hè chỉ có người đi bộ và không có hoạt động nào khác, thành phố sẽ trở nên nhàm chán, thiếu thân thiện và không có bản sắc. Tuy nhiên, hoạt động trên hè phố hiện đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Chính vì vậy, việc lập lại trật tự trong việc quản lý lòng đường/hè phố là rất cần thiết.
Quản lý có hiệu quả phải bắt đầu từ sự đổi mới tư duy ngay từ quá trình làm Luật, vì đây là cơ sở quan trọng để triển khai các văn bản hướng dẫn dưới Luật của Chính phủ và chính quyền địa phương về quản lý đường phố đô thị.
Hy vọng một số đề xuất trên được nghiên cứu áp dụng thí điểm sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Sĩ Liêm (2016), “Quản lý hè phố theo chức năng”Báo Xây dựng điện tử
2. Phạm Thuý Loan (2017), “Đường phố – Hè phố: Cơ sở khoa học cho nghiên cứu thiết kế đô thị” Nguồn: kientrucvietnam.org.vn
3. Nguyễn Mai Anh (2017), Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM “Nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP.HCM – Thực trạng và Giải pháp”.
4. Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT (2021), “Đề án thí điểm thu phí sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để kinh doanh và trông giữ phương tiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị