Quản lý hàng hóa tồn kho góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc quản lý hàng hóa tồn kho là điều bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm. Quản lý tồn kho giúp cân đối giữa chi phí tồn kho với mức độ phục vụ sản xuất, bảo đảm sự ổn định trong quá trình sản xuất để việc sản xuất được diễn ra liên tục, không bị đình trệ. Chủ động nguồn nguyên liệu và đầu vào khi giá cả và nguồn cung trên thị trường không ổn định. Từ đó, tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, làm tăng lợi nhuận, góp phần cải tiến hiệu quả, năng suất lao động tại doanh nghiệp.
Quản lý hàng hóa tồn kho là điều bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tồn kho còn được gọi là nguồn nhàn rỗi, vì tồn kho càng cao thì càng gây ra lãng phí. Hàng tồn kho nhiều kéo theo các hệ lụy như tăng chi phí bảo quản, nợ đọng vốn, hàng hóa có nguy cơ lạc hậu, quá hạn dẫn đến khó tiêu thụ,… Thậm chí, hàng tồn kho quá nhiều sẽ khiến doanh nghiệp ốm yếu và rất có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Mặc dù hàng tồn kho quá nhiều là một trong những lãng phí nghiêm trọng nhưng đây lại là vấn đề nan giải, vì nếu sản xuất vừa đủ, doanh nghiệp có thể bị thiếu hụt do sản phẩm hư hại, còn nếu sản xuất dư thừa thì sản phẩm sẽ chiếm diện tích và lãng phí nguồn tài nguyên. Hoặc việc thu mua hàng với số lượng lớn rồi tích trữ lại nhưng do không nắm bắt được tình hình nên giá cả hàng hóa bị giảm sút, dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ.
Một nguy cơ khác mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi tồn kho không phù hợp là nguy cơ về hàng quá hạn. Đáng chú ý, trong quá trình lưu kho, nếu điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị không đảm bảo hoặc thời gian lưu kho dài sẽ dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng, giảm chất lượng như ban đầu. Mặt khác, doanh nghiệp tồn kho không hợp lý có thể dẫn đến việc bị chiếm diện tích kho, khu vực sản xuất.
Vì vậy, để loại bỏ lãng phí tồn kho cần có các giải pháp cụ thể. Một số giải pháp được đưa ra đó là: Thứ nhất, doanh nghiệp cần thiết lập phương pháp đặt hàng chuẩn, trong đó xây dựng các công thức tính đơn hàng chuẩn cho một loại vật liệu khi vật liệu đó được đặt hàng. Lượng tồn kho giảm cho đến mức giới hạn nào đó sẽ được tiến hành đặt hàng hay còn gọi là mức tồn kho an toàn, tại thời điểm đó lượng hàng còn lại được tính bằng cách ước lượng số lượng vật liệu mong đợi được sử dụng trong khoảng thời gian đặt hàng đến khi nhận được lô hàng khác của loại vật liệu này.
Thứ hai, để giảm đến mức thấp nhất lượng dự trữ thì doanh nghiệp chỉ chuyển lượng dự trữ đến nơi có nhu cầu thực sự, không đưa đến khu vực chưa có nhu cầu. Thứ ba, doanh nghiệp cần nắm chắc yêu cầu của khách hàng, tức là nắm chắc về số lượng và yêu cầu về thời gian giao hàng, từ đó có kế hoạch sản xuất vừa đủ không dư. Ngoài ra, doanh nghiệp cần giữ quan hệ tốt với các nhà cung ứng nguyên vật liệu hoặc xây dựng các nguồn nguyên liệu có chất lượng cao không cần giữ tồn kho chống lại các gián đoạn trong cung cấp…
Thanh Tùng