Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Từ phân loại tại nguồn đến định mức kinh tế, kỹ thuật

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Từ phân loại tại nguồn đến định mức kinh tế, kỹ thuật

Khi việc phân loại CTRSH được triển khai động bộ, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều, tạo tiền đề cho việc áp dụng quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây được coi là cơ sở quan trọng giúp các địa phương quản lý chất thải một cách hiệu quả và bền vững.

Theo thông tin từ Bộ TN&MT, Việt Nam hiện đang thải ra môi trường hơn 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó có hơn 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên, hơn 70% lượng rác này vẫn được xử lý thông qua phương pháp chôn lấp, phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường(1) đất, nước và không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

tm-img-alt
Việt Nam hiện đang thải ra môi trường hơn 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó có hơn 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Ảnh: ITN

Từ ngày 1/1/2025, mọi cá nhân và hộ gia đình phải đựng CTRSH vào túi do UBND cấp tỉnh phát hành.

Để giải quyết vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định về việc quản lý CTRSH. Từ ngày 1/1/2025, phân loại CTRSH sẽ được thực hiện theo nguyên tắc thu giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo lượng (theo khối lượng hoặc thể tích). Cụ thể, các loại CTRSH sẽ được phân loại thành chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm và các loại CTRSH khác. UBND cấp tỉnh phát hành các túi (có màu sắc khác nhau) để đựng chất thải đã được phân loại. Hộ gia đình, cá nhân mua các túi này về để đựng chất thải thay cho việc nộp phí vệ sinh hoặc phí thu gom, xử lý CTRSH như hiện nay.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị chất thải có thể tái chế và chất thải nguy hại (pin, ắc quy) được để riêng và có thể chuyển giao miễn phí cho tổ chức thu gom (hoặc bán phế liệu); chất thải thực phẩm được cho vào túi (có màu xanh); chất thải khác được cho vào túi (có màu vàng), để chuyển giao cho đơn vị thu gom. Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Nếu hộ gia đình cá nhân không phân loại CTRSH thì phải để toàn bộ CTRSH không được phân loại vào túi đựng CTRSH khác (túi màu vàng).

Đơn vị thu gom có thể từ chối thu gom nếu CTRSH không được đựng vào túi do UBND phát hành. Hộ gia đình, cá nhân không đựng CTRSH trong túi do UBND phát hành thì có thể bị xử phạt đến 1.000.000 đồng.

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH

tm-img-alt

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ…

Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản…

Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại…

Kèm theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT là phụ lục chi tiết về tên chất thải, hình ảnh minh hoạ và kỹ thuật trong phân loại cho từng nhóm CTRSH rất cụ thể.

tm-img-alt
Nhiều điểm lưu chứa rác thải sinh hoạt đã phân loại được triển khai trên địa bàn TP. Huế. Ảnh: ST

Triển khai quy định về phân loại CTRSH tại địa phương, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung sau đây trước ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường:

1. Ban hành quy định chi tiết về quả lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 75 và khoản 6 Điều 79 Luật BVMT, theo đó, việc quy định phân loại phải tuân thủ quy định nêu trên; phát hành túi dựng rác khác màu; tổ chức thu gom, vận chuyển, lưu trữ và xử lý CTRSH đã được phân loại theo quy định, riêng CTRSH khác thì mới theo đặc thù của địa phương nhưng phải theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đối với chất thải chưa được phân loại (đựng trong túi màu vàng) thì UBND phải quy định và tổ chức thực hiện để đơn vị thu gom phân loại theo quy định để xử lý.

2. Nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH (ban hành kèm theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Bộ TN&MT lưu ý, việc phân loại CTRSH nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.

Việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/ 2024.

Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại CTRSH.

Khi việc phân loại CTRSH được triển khai động bộ, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều, tạo tiền đề cho việc áp dụng quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

3. Quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại sau khi có Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

tm-img-alt
Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được ban hành sẽ là cơ sở để các địa phương quản lý CTRSH hiệu quả, bền vững. Ảnh: Hepco

Tiếp theo việc hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH, Bộ TN&MT đang xây dựng và sắp tới sẽ ban hành Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Cùng với đó là sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển CTRSH tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá.

Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo nội dung quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia và các đơn vị có liên quan.

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức hội thảo “Góp ý quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Đại diện các cơ quan quản lý, công ty môi trường đô thị, công ty vận hành nhà máy xử lý CTRSH, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, bộ quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Luật BVMT năm 2024 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đây là quy trình rất cần thiết; các bước thực hiện và công cụ trong quy trình tương đối đầy đủ…

Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trong đó có thu gom và vận chuyển CTRSH sau phân loại tại nguồn, CTRSH đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; CTRSH cồng kềnh;…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng… là các định mức mới nên cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan, đảm bảo tính đại diện cao và phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố để hoàn thiện, xem xét và hoàn thiện văn bản. Dự kiến, Thông tư trên sẽ được ban hành trong năm 2024.

(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Công văn số 2272/BTNMT-TCMT ngày 04/5/2022.

NGUYỄN THI* – HÀ THẮM**
* Vụ Pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường
** Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích