Quản lý chất thải nhựa y tế góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

Quản lý chất thải nhựa y tế góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

Tọa đàm Quản lý bền vững chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở y tế triển khai giảm thiểu và quản lý bền vững chất thải nhựa y tế, góp phần giảm phát chất thải nhựa từ các cơ sở y tế ra môi trường…

Trong 2 ngày 30-31/7, tại Quảng Ninh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) kết hợp với Mạng lưới “Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe” (Plastic and Health Action Partnership – PHA) tổ chức chương trình Tọa đàm Quản lý bền vững chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe và Lễ ra mắt Ban sức khỏe trực thuộc “Mạng lưới đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe”.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự chương trình có đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế); chuyên gia Quản lý dự án, Phòng Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng (Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam); đại diện chương trình Năng lượng sạch; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (Cherad); đại diện Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường một số địa phương, cùng đại diện 15 bệnh viện, các chuyên gia hàng đầu đến từ các Cục, Viện chuyên ngành của Bộ Y tế…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng thư ký Mạng lưới đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe đánh giá, chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tỷ lệ nhựa chiếm 10 – 20% (mỗi năm phát sinh khoảng 2,5 – 5 triệu tấn chất thải nhựa). Cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5%-10% khối lượng chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tổng khoảng 22 tấn/ngày, trong đó chất thải nhựa lây nhiễm có thể lên tới hơn 25% – 40% tùy vào chuyên khoa của bệnh viện.

Trong lĩnh vực y tế, rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh hay từ các hoạt động chuyên môn y tế, hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Việc ứng dụng rộng rãi các sản phẩm làm từ nhựa trong ngành y tế đang tạo ra một nguồn rác thải nhựa ngày càng nhiều hơn đã và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Khi các loại rác thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Cùng với đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Để hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở y tế triển khai giảm thiểu, quản lý bền vững chất thải nhựa y tế, góp phần giảm phát thải chất thải nhựa từ các cơ sở y tế ra môi trường Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) đã, đang triển khai sáng kiến “Xây dựng Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế” thuộc Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm” do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là chủ dự án…

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe, mục đích là đưa ra thảo luận về vấn đề quản lý chất thải nhựa trong ngành y tế. Qua đó làm rõ thêm vấn đề quản lý chất thải nhựa của các bệnh viện, những khó khăn vướng mắc trong vấn đề quản lý chất thải nhựa. Đồng thời thảo luận thêm về sáng kiến “Mô hình Kinh tế tuần hoàn” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: “Chất thải nhựa y tế phát sinh từ nhiều khâu từ quá trình dịch vụ, kỹ thuật nếu có thể thay thế một khâu bằng nguyên vật liệu không bằng nhựa, việc phát sinh chất thải nhựa nhiều ảnh hưởng đến chi phí xử lý chất thải nguy hại”.

Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới xây dựng một giải pháp toàn diện trong quản lý chất thải nhựa dưới tác động tập thể của nhiều bên liên quan. Cốt lõi của sáng kiến là dựa trên các quy định của các văn bản luật pháp về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào vòng kinh tế tuần hoàn. Chất thải nhựa y tế sẽ được giảm thiểu từ khâu mua sắm xanh, sử dụng, phân loại, xử lý, tái chế thành nhựa nguyên liệu hoặc các sản phẩm tái chế. Việc áp dụng, nhân rộng mô hình này hy vọng sẽ mang lại những hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Cũng tại buổi tọa đàm, Ban Sức khỏe thuộc Mạng lưới đối tác hành động về nhựa và sức khỏe chính thức được ra mắt. Ngoài ra, Ban Sức khỏe sẽ hỗ trợ hoàn thiện, triển khai chính sách về quản lý chất thải nhựa y tế, tăng cường năng lực về quản lý chất thải nhựa y tế góp phần xây dựng hệ thống các cơ sở y tế Xanh – Sạch– Đẹp tại Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của nhựa.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích