Quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, cần hành động ngay
Quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, cần hành động ngay
Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường mới ban hành khẳng định sự cần thiết phải hạn chế, giảm thiểu, phân loại rác thải nhựa khó phân huỷ sinh học.
Tình trạng chất thải nhựa tại Việt Nam
Theo một nghiên cứu mới đây của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa, ước tính Việt Nam phát sinh hơn 3,7 triệu tấn chất thải nhựa sau khi sử dụng trong năm 2018, trong đó 42% tương đương 1,53 triệu tấn chất thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy trình.
Nghiên cứu cho biết, trong số 5% lượng chất thải nhựa được quản lý thì phần lớn được đưa đến các bãi chôn lấp kỹ thuật (2% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh), với một khối lượng nhỏ hơn được thu gom để tái chế (11%), đưa đi đốt (9%), số còn lại được đổ ra các bãi rác (8%) hoặc ủ phân compost (3%).
Chất thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định (42%) chủ yếu được đốt lộ thiên (28% tổng lượng chất thải phát sinh), thải bỏ ra các bãi rác (15%) hoặc do người dân tự xử lý do không có cơ sở thu gom chất thải chính thức (13%). Các loại nhựa chưa được quản lý được đổ ra bãi đất trống (7%) hoặc đổ trực tiếp ra môi trường nước (5%). Khoảng 2% tổng lượng nhựa thuộc khu vực có thu gom trở thành rác thải trên đất liền.
Giảm thiểu rác thải nhựa: Đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam
Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong số những quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa nhất đại dương, theo một nghiên cứu của Jenna R.Jambeck và công sự công bố năm 2015. Để hạn chế lượng chất thải nhựa được quản lý kém có thể gây ô nhiễm môi trường, các tác giả của nghiên cứu này khuyến nghị trước hết phải giảm phát sinh chất thải nhựa, sau đó là cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, một quá trình tốn kém hơn rất nhiều về thời gian và tiền bạc.
Theo tài liệu nghiên cứu của PRX-VietNam năm 2022, đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Rác thải liên quan đến các biện pháp vệ sinh y tế và các loại bao bì nhựa nhựa để bán mang về tại nhà hàng gia tăng đáng kể. Đây là thực trạng đáng lo ngại khi chúng ta biết rằng xét về nguồn gốc của rác thải thì các vật dụng mang đi (túi nylon, bao bì, hộp xốp, bát đĩa dùng một lần, vỏ chai nhựa…) chiếm từ 50% đến 88% lượng rác thải ra môi trường. Do đó, điều quan trọng nhất là kiểm soát được lượng chất thải này.
Các tác giả của nghiên cứu nói trên khẳng định ở Việt Nam, hàm lượng vi nhựa ở các sông hồ và đặc biệt đối với các sông nhỏ trong nội đô rất cao. Ví dụ sông Tô Lịch ở Hà Nội bị ô nhiễm vi nhựa nghiêm trọng với mật độ hơn 2.522 hạt/m3. Con sông này tiếp nhận rất nhiều nước thải chưa qua xử lý, đặc biệt là từ các khu vực lân cận. Để làm một phép so sánh thì tại Vịnh Hạ Long, nồng độ hạt vi nhựa chỉ đạt 0,8 hạt/m3.
Sự hiện diện của vi nhựa trong môi trường tự nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của con người. Với kích thước chỉ tính bằng mi-li-mét, chúng bắt nguồn từ quá trình phân rã rác thải đô thị, các vi hạt trong mỹ phẩm và sợi dệt qua quá trình giặt nhiều lần. Các khu công nghiệp sản xuất hàng dệt may hoặc chất dẻo là nguồn phát thải vi nhựa rất lớn. Chính vì ngành công nghiệp dệt mà sông Sài Gòn có nồng độ vi nhựa cực cao, từ 22.000 đến 251.000 hạt/m3. Ở Việt Nam, ô nhiễm vi nhựa cao đến mức gây ra cả tác động đến chất lượng không khí (mưa và bụi) ở nồng độ rất cao.
Rõ ràng chất thải nhựa và việc quản lý chất thải nhựa không đúng quy định đã gây nên những ảnh hưởng đến cả môi trường, kinh tế – xã hội cũng như những rủi ro đối với sức khoẻ con người. Vì vậy cần có những giải pháp đồng bộ. Các tác giả của “Nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam” thuộc Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa khuyến nghị: cần phải thay đổi hệ thống và nhiều giải pháp can thiệp cấp bách là cần thiết để giảm thiểu tình trạng rò rỉ nhựa. Đó là giảm thiểu và thay thế nhựa, thiết kế bao bì và sản phẩm có giá trị tái chế cao, giải quyết những thất bại trên thị trường để tăng cường hệ thống tái chế, mở rộng khu vực thu gom chất thải rắn sinh hoạt, xử lý an toàn và ngăn chặn tình trạng xả rác không đúng nới quy định.
Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường mới ban hành khẳng định sự cần thiết phải hạn chế, giảm thiểu, phân loại rác thải nhựa khó phân huỷ sinh học. Theo nghị định 08/2022/NĐ-CP, kể từ sau năm 2030 sẽ chấm rứt sản xuất các đồ nhựa dùng 1 lần, túi nylon khó phân huỷ hoặc các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị