Quản lý chất thải lơ lửng trong ao tôm hiệu quả
Quản lý chất thải lơ lửng trong ao tôm hiệu quả
Theo dõi MTĐT trên
Chất thải lơ lửng hay chất thải hữu cơ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm. Chúng thường xuất hiện trong các ao nuôi thâm canh mật độ cao ở giai đoạn tôm 30 ngày tuổi trở đi, gây ra những tác động xấu tới ao và tôm nuôi.
Việc quản lý chất lơ lửng, cáu bẩn trong ao luôn được chú trọng, nhằm giảm thiểu những rủi ro và nâng cao năng suất cho vụ nuôi.
Giải pháp chung
Trong quá trình nuôi, cần phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
Cải tạo kỹ ao nuôi bằng cách rải vôi, phơi đáy, tiêu diệt các loài giáp xác trước khi thả tôm.
Gia cố bờ ao chắc chắn để ngăn xói mòn, lắp đặt hệ thống quạt nước phù hợp.
Chọn nguồn nước cấp có độ mặn thấp, không lẫn tạp chất, không chứa tảo độc hại.
Chọn nguồn thức ăn chất lượng, luôn căn chỉnh liều lượng thức ăn rải xuống cho tôm, không cho ăn dư thừa. Cung cấp lượng thức ăn hàng ngày vừa phải. Nên chọn thức ăn chất lượng, cho tôm ăn bằng nhá để dễ dàng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp nhất.
Bổ sung vôi, khoáng chất, chế phẩm sinh học để giúp các loại tảo có lợi trong ao được phát triển ổn định.
Xiphong đáy ao thường xuyên, đây là cách an toàn để loại bỏ chất thải hữu cơ trong ao tôm.
Sử dụng chế phẩm sinh học
Hiện nay, giải pháp đơn giản để xử lý chất lơ lửng trong ao nuôi tôm là tiến hành thay nước và sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ. Một trong số các chủng vi sinh xử lý chất lơ lửng ao nuôi hiệu quả nhất hiện nay là chủng Bacillus subtillis. Đây là chủng có khả năng phân hủy chất lơ lửng rất nhanh. Đồng thời, chúng có khả năng tổng hợp được nhiều loại enyzme để tăng khả năng hoạt động lên gấp nhiều lần. Sử dụng men si vinh có thể giúp:
Phân hủy thức ăn thừa và phân tôm;
Làm sạch nước ao nuôi hiệu quả;
Ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh;
Tạo ra môi trường sinh thái cân bằng cho tôm;
Giảm hình thành các khí H2S, NH3 và một số khí độc hại khác.
Hướng dẫn sử dụng: Gây màu nước: dùng liên tục trong 3 ngày. Sau khi đã thả tôm: Từ ngày 1 – 30: dùng 1 – 2 lần/tuần; từ ngày 30 – 60: sử dụng 2 – 3 lần/tuần; từ ngày 60 trở lên: sử dụng 3 – 4 lần/tuần.
Trước khi sử dụng, người nuôi hãy liên lạc với nhà cung cấp để được tư vấn kỹ lưỡng hơn, vì liều lượng sử dụng có thể được thay đổi linh hoạt theo thời điểm mùa vụ và tình trạng thực tế của ao nuôi.
Phương pháp ao sinh học
Phương pháp ao sinh học trong xử lý nước thải nuôi tôm dựa trên nguyên lý của xử lý nước thải. Tại các ao xử lý sinh học, chất hữu cơ lơ lửng sẽ được phân hủy sinh học bằng hệ vi sinh vật có trong ao, cũng như tận dụng đó làm nguồn thức ăn để nuôi các loài thủy sản khác như: Cá rô phi, cá nâu, sò, nghêu… nhằm xử lý các chất rắn lơ lửng, rong tảo. Đối với phương pháp ao sinh học người nuôi không phải tốn quá nhiều chi phí để xử lý nước thải. Bên cạnh đó còn có thể tận dụng nó để nuôi các loại cá trên vừa có thể xử lý nước thải nuôi tôm, vừa tăng thêm thu nhập.
Sử dụng hóa chất PAC
PAC (Poly Aluminium Chloride) là loại phèn nhôm thế hệ mới tồn tại ở dạng cao phân tử (polyme). Hiện nay, PAC được sản xuất lượng lớn và sử dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến để thay thế cho phèn nhôm sunfat trong xử lý nước sinh hoạt và nước thải. Đây là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước thải NTTS. Giúp loại bỏ hoàn toàn các chất hữu cơ, vi khuẩn, virus gây bệnh có trong nước. PAC có chứa đến 28 – 32% hàm lượng nhôm. Hóa chất PAC có 2 dạng bột và dạng lỏng, màu vàng chanh và màu vàng nâu. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà lựa chọn sản phẩm phù hợp. Liều lượng PAC sử dụng cho 1 m3 nước sông, ao, hồ là 1 – 4 g PAC đối với nước đục thấp (50 – 400 mg/l), là 5 – 6 g PAC đối với nước đục trung bình (500 – 700 mg/l) và là 7 – 10 g PAC đối với nước đục cao (800 – 1.200 mg/l). Liều lượng sử dụng chính xác được xác định bằng thử nghiệm trực tiếp đối với nước cần xử lý.
Sử dụng phương pháp điện đông
Trong hệ thống RAS, phương pháp điện đông (electrocoagulation hay EC) được nghiên cứu là có nhiều ưu điểm nổi trội như làm giảm các loại chất thải phát sinh thêm trong quá trình xử lý, ít gây ô nhiễm, dễ dàng trong việc sử dụng và kiểm soát hơn. Kỹ thuật điện đông (EC) được thực hiện trên bình điện phân có hai điện cực âm và dương. Cả hai điện cực này đều được nhúng vào chất điện phân là nước thải. Đầu tiên, các bong bóng được tạo ra trong quá trình đông tụ điện. Sau đó, các bông cặn được hình thành và nổi trên mặt nước với kích thước tương đối nhỏ và tăng dần theo thời gian cho đến khi đạt đến kích thước nhất định. Ứng dụng của công nghệ EC trong xử lý chất thải đã được ứng dụng thành công trong xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải của dịch vụ ô tô và các lĩnh vực khác. Công nghệ này có thể loại bỏ hiệu quả TSS, nhu cầu ôxy hóa học (COD), nitrit, amoniac, và vi sinh vật; nhằm mục đích tăng kích thước của các hạt lơ lửng trong nước, qua đó cải thiện khả năng xử lý chất thải của MDF trong hệ thống RAS.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị