Quản lý chất thải là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Trên hành trình phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định rõ ràng việc phát triển Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

So sánh mô hình kinh tế tuyến tính và mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Lại Văn Mạnh – Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, kế hoạch cần có mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường. Phát triển mạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng KTTH, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.

Đối với việc quản lý chất thải rắn, ông Kubo Yoshimoto – Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định, đi cùng với sự phát triển kinh tế, lượng chất thải phát sinh ở Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, chính vì vậy, việc quản lý chất thải rắn trở thành nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản luôn hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ hợp tác, JICA đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện các nghiên cứu để thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới KTTH tại Việt Nam. Các chuyên gia từ Nhật bản đã đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, giúp tính toán và đề xuất lựa chọn các ngành, lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH.

Theo đó, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm. Tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn. Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đến năm 2030 đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10% – 15% so với năm 2020.

Đồng thời, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng tăng dần theo các năm. Tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng theo quy định tăng dần theo các năm. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đến năm 2030 đạt trên 70%.

Xử lý phân loại chất thải rắn. Ảnh minh họa

Về trách nhiệm của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Cụ thể, trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu gom, tái chế rác thải (EPR) có 2 nội dung chính gồm: Trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý. Đối với trách nhiệm tái chế, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức là tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Đối với trách nhiệm xử lý, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính đối với trường hợp sản phẩm, bao bì, bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Việc thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu của Kế hoạch hành động KTTH không chỉ đảm bảo một môi trường sống bền vững mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích