Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên Hạ tầng chất lượng quốc gia

Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng quan trọng. Chất lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp hiện nay.

Theo Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá: Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Xuất phát từ khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau: Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng; Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trước đây, khi quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa chúng ta hay nghĩ đến vấn đề tiêu chuẩn, nghĩa là sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn nào thì ta quản lý như thế hoặc là các bộ, ngành có những yêu cầu kỹ thuật đặc thù, các thông lệ quốc tế đặc thù.

Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới như hiện nay thì riêng tiêu chuẩn là chưa đủ mà đối với quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đặt ra yêu cầu toàn diện hơn về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI). Hạ tầng chất lượng quốc gia ngoài vấn đề tiêu chuẩn còn có hoạt động đánh giá sự phù hợp – nghĩa là hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận phải bảo đảm sao cho đáp ứng tiêu chuẩn. Nếu có tiêu chuẩn mà hoạt động đánh giá sự phù hợp không bảo đảm thì cũng không thử nghiệm được.

Trước đây chúng ta chỉ công bố sản phẩm này theo tiêu chuẩn này thì quốc tế và khách hàng sẽ dễ dàng tin theo. Nhưng hiện nay nếu nói sản phẩm theo tiêu chuẩn mà không chứng minh được công tác thử nghiệm, giám định phù hợp với tiêu chuẩn đó thì họ cũng không tin nữa.

Tiếp đó là hoạt động đo lường. Chúng ta thấy rằng toàn bộ hệ thống sản xuất, thiết bị thử nghiệm nếu không được dẫn xuất chuẩn đo lường sẽ không bảo đảm thống nhất. Do đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay phải gắn với công tác đo lường.

“Cuối cùng là thể chế chính sách. Trước đây chúng ta có thể đưa ra các tiêu chuẩn, phép thử nhưng nếu không có thể chế chính sách đi kèm thì khó bảo đảm được hoạt động cũng như sự kết nối thống nhất của hạ tầng chất lượng quốc gia. Theo xu hướng của thế giới thì hạ tầng chất lượng quốc gia đang gắn với mục tiêu phát triển bền vững”, TS. Hà Minh Hiệp nói.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích