Quận Hoàn Kiếm sẽ không bao giờ mất trên bản đồ Thủ đô Hà Nội

Mở đầu câu chuyện, anh nói, tiếng Việt vốn phong phú về câu từ, nếu chúng ta không hiểu đúng, đặc biệt chép đúng lời của người khác nói, đôi khi sẽ dẫn đến hiểu lầm. Anh đưa ra dẫn chứng: Mấy hôm nay mạng xã hội xôn xao về thông tin quận Hoàn Kiếm “thuộc diện sáp nhập” theo tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Quận Hoàn Kiếm sẽ không bao giờ mất trên bản đồ Thủ đô Hà Nội
Quận Hoàn Kiếm gắn liền với Hồ Gươm – “di sản” của Thủ đô, nên chắc chắn tên Hoàn Kiếm không bao giờ mất (Ảnh Hồ Gươm lung linh về đêm/Kinhtedothi.vn)

Anh cho hay, vì làm ngôn ngữ, nên phải tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, thì ra mạng xã hội lấy thông tin từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 diễn ra ngày 31/7. Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết “trong giai đoạn 2023 – 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, thành phố Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp”. Tuy nhiên, sau đó các phương tiện thông tin đưa “quận Hoàn Kiếm phải thuộc diện sáp nhập” khiến dư luận “nổi sóng” đến tận hôm nay.

Anh bạn phân tích thêm, chưa xét theo hệ quy chiếu về thực thi pháp luật (khi các văn bản quy phạm pháp luật ban hành, tất cả phải thực thi) mà chỉ xét góc độ ngôn ngữ sẽ thấy nội hàm của hai từ “sắp xếp” và “sát nhập” khác nhau. Khi quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, chúng ta nên hiểu theo nghĩa, quận Hoàn Kiếm vẫn giữ nguyên, nhưng có thể sẽ được mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng các tiêu chí mà Nghị quyết số 35 đề ra. Còn khi sử dụng từ “sáp nhập”, nghĩa quận này sẽ phải nhập vào một quận khác. “Ngôn ngữ nước mình khó như vậy đó ông”, anh bạn chia sẻ.

Điều cần nhấn mạnh, tiêu chí chung cho các địa phương như vậy, song vẫn có một số trường hợp không bắt buộc phải sắp xếp lại khi có yếu tố đặc thù. Chẳng hạn như có địa giới hành chính hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay, có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, có đặc điểm về truyền thống lịch sử… Còn để “sắp xếp”, “sáp nhập” đơn vị hành chính, theo quy trình thực hiện, địa phương sẽ phải xây dựng phương án tổng thể về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo quy định, gửi Bộ Nội vụ và các bộ liên quan cho ý kiến. Việc sáp nhập đơn vị hành chính còn cần phải lấy ý kiến nhân dân. Tức là sẽ có rất nhiều yếu tố phải xem xét, cân nhắc kỹ trong quá trình sắp xếp. Trong đó, yếu tố phải tính đến đầu tiên là rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn cũng như các yếu tố đặc thù.

Ai cũng biết, quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Đặc biệt là hồ Hoàn Kiếm với sự tích Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần. Do đó, với vị trí, lịch sử của mình thì cái tên quận Hoàn Kiếm sẽ không dễ gì mất đi trên bản đồ Thủ đô Hà Nội.

H.Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích