Quận Hoàn Kiếm, băn khoăn việc tách nhập
Thực hiện chủ trương của Trung ương (Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính huyện xã đã được chỉ đạo thực hiện khắp cả nước.
“Trong giai đoạn 2019 – 2021, UBTV Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã”, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 nêu.
Hà Nội, là Thủ đô đất nước, thành phố đặc biệt, nhưng không ngoại lệ.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã sáng 31/7, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, 176 xã của Hà Nội cũng thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025.
Đặc biệt, theo ông Chủ tịch, quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người cũng thuộc diện phải sáp nhập. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.
Theo Quy định 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016, tiêu chuẩn của quận ở đô thị phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người (Điều 7). Trong 2 năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% so với tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 15% về diện tích, không đạt 200% về dân số so với tiêu chuẩn nên thuộc diện phải sáp nhập.
Dù theo người đứng đầu chính quyền hành chính thành phố, “lộ trình” là 2 năm tới, nhưng báo chí và “dư luận” trên mạng xã hội những ngày qua “dậy sóng” với rất nhiều ý kiến, cơ bản là không đồng thuận.
Từ lâu, tên gọi Hoàn Kiếm với tư cách một quận đã trở nên thiêng liêng trong trái tim người Hà Nội và người dân cả nước. Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Hà Nội; là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ quan trọng. Đồng thời, Hoàn Kiếm là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước.
Quận cũng là nơi hội tụ hàng trăm công trình di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, thu hút du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm. Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn – đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, tượng đài Lý Thái Tổ, chợ Đồng Xuân, Nhà Thờ Lớn…
Quần thể di tích Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn – đền Bà Kiệu tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)
Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm) từng được gọi là “Lẵng hoa Hà Nội” gắn với huyền sử trong một lần vua Lê Thái Tổ dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và rùa lặn xuống nước biến mất. Tên hồ Hoàn Kiếm, có ý nghĩa như vậy.
Hồ Gươm từng đi vào rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh. “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…” (Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi). Người Hà Nội với tất cả tình cảm son sắt và sự phóng khoáng trong tâm hồn của một người Tràng An, đi suốt năm tháng, luôn là niềm tự hào chung.
Nhiều nguyên thủ quốc gia khi sang thăm Việt Nam đều đến thăm Hồ Gươm. Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc và Phu nhân đã cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tham quan danh thắng này. Hình ảnh hai nguyên thủ quốc gia ngồi đàm đạo, chắc chắn có nội dung về văn hóa, lịch sử Việt Nam và Hà Nội, trở thành biểu tượng của hội nhập và phát triển.
Bước qua cầu Thê Húc soi bóng mặt hồ là đền Ngọc Sơn. Thưa vâng, đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng từ thế kỷ 19. Bách khoa mở Wikipedia còn ghi, lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi thành đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13. Thời Trần, ngôi đền là nơi thờ những người đã hy sinh trong kháng chiến chống Nguyên – Mông. Hiện, đền Ngọc Sơn là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, dâng hương ở ngôi đền cũng là một nét đẹp tâm linh, vẻ đẹp đạo lý Việt.
Hoàn Kiếm còn là nơi có ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam ngày 26/8/1945; cùng nhiều di tích khác gắn với lịch sử cách mạng của đất nước như Nhà hát lớn Hà Nội, Bắc Bộ phủ, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Có thể nói, Hoàn Kiếm “ôm vào lòng mình” nhiều giá trị vật thể và phi vật thể quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Vâng, quận Hoàn Kiếm có thể chưa đạt tiêu chuẩn so với quận này quận khác ở Hà Nội và các đơn vị hành chính cấp quận huyện khác của cả nước, nhưng chiều kích về văn hóa, lịch sử không nơi nào sánh được. Tuổi thơ của rất nhiều thế hệ Hà Nội còn đầy ắp tiếng tàu điện leng keng ở Bờ Hồ tỏa đi muôn nơi trong thành phố, tiếng hát xẩm trên những chuyến tàu điện. Nhà thơ Vương Tâm, một người Hà Nội đã từng viết về những ký ức Hà Nội trong tác phẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”.
Câu hỏi đặt ra là, có nên nhập quận Hoàn Kiếm vào quận nào đó hay không? Tên gọi quận mới là gì và có phương án chọn lựa, vừa hài hòa, bảo đảm đủ tiêu chí cho quận mới, vừa giữ được tên quận Hoàn Kiếm.
Đại tá Hà Văn Sỹ, nguyên là người lính Binh đoàn 559 nêu quan điểm: “Lại bộc lộ sự rập khuôn máy móc và xơ cứng trong tư duy kiểu thủ công nghiệp về việc sáp nhập mà điển hình là phương án sáp nhập quận Hoàn Kiếm với các quận khác”. Ý kiến của ông gần như là tiếng nói của rất nhiều công dân Hà Nội, khi được hỏi.
Do Hoàn Kiếm không đủ tiêu chí về diện tích, vậy thì phải tìm phương án về diện tích. Nhà sử học Lê Văn Lan nêu ý kiến: “Hãy cứu lấy quận Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô, trái tim của cả nước, bằng cách chia sẻ (cấp thêm) đất các phường thuộc 3 quận lân cận để tăng cường diện tích cho quận Hoàn Kiếm”, theo báo Thanh Niên. Hơn ai hết, nhà sử học Lê Văn Lan có “nỗi đau” riêng, có sự bàng hoàng riêng. Ông là một cư dân của quận Hoàn Kiếm.
Thượng tá Nguyễn Sinh Lương, nguyên là cán bộ Công an Hà Nội nêu ý kiến: “Cắt vài phường của quận Long Biên, Ba Đình về Hoàn Kiếm là đủ chuẩn diện tích, vẫn giữ nguyên được quận Hoàn Kiếm”.
Nhưng đó là biện pháp áp “tiêu chí” máy móc, cơ học. Quận Hoàn Kiếm hiện nay chỉ 5,29km2, tìm đâu ra gần 30km2 để quận được giữ nguyên tên gọi? Thực ra, diện tích 4 quận cũ nội thành Hà Nội tương đương nhau; quận Ba Đình có diện tích 9,21km2; quận Đống Đa có diện tích 9,95km2; quận Hai Bà Trưng có diện tích 9,2km2. Điều đó cho thấy, nếu theo “tư duy diện tích” máy móc kia, nhập cả 4 quận trung tâm lại mới được 33,65km2, vẫn còn thiếu so với quy định “diện tích tối thiểu”.
Không thể “chia sẻ” diện tích các quận lân cận cho quận Hoàn Kiếm. Nếu cứ áp theo “tiêu chí” diện tích chỉ có cách, “cắt” 1/2 diện tích quận Long Biên nhập về Hoàn Kiếm, bởi Long Biên có diện tích đến 60,38km2.
Tại hội nghị (đã dẫn), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề: “Cần sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên cơ sở khoa học, tiêu chuẩn diện tích và dân số, nhưng cân nhắc kỹ đặc thù lịch sử, văn hóa, phong tục”. Ý kiến của Thủ tướng có ý nghĩa chỉ đạo. Khi nêu ra phương án nhập quận Hoàn Kiếm, các cơ quan giúp việc của UBND TP. Hà Nội đã “cân nhắc kỹ” các yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử khi tham mưu cho UBND, Thành ủy?
Hà Nội và TP.HCM là đô thị đặc biệt; do vậy tiêu chí đối với quận, huyện thuộc đô thị đặc biệt cũng cần được nhìn nhận đặc biệt, có yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh… chứ không thể “cào bằng”, áp tiêu chí chung máy móc, trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập.
Ngay Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 cũng nêu: “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển đô thị bền vững, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 – 2030”, (mục 2, Điều 2).
Rất nhiều ý kiến khác, nêu câu hỏi: Tại sao Hà Nội không hỏi dân, trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu ý dân (Luật số 96/2015/QH13, ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). Trong dân có rất nhiều nhà nghiên cứu về Hà Nội, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý đô thị… nếu họ được hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều hiến kế hữu ích.
“Tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính”, đây là một yêu cầu của UBTV Quốc hội. Để đạt được đồng thuận, không chỉ vận động tuyên truyền một chiều, mà phải tôn trọng ý kiến của nhân dân. Đó là tư duy quản trị công khai, minh bạch./.