Quận Hà Đông (Hà Nội): Tổ chức hoạt động giám sát công các bảo vệ môi trường
Quận Hà Đông (Hà Nội): Tổ chức hoạt động giám sát công các bảo vệ môi trường
Qua phản ánh cơ quan báo chí, quận Hà Đông cũng đã kiểm tra xử lý tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng dọc tuyến bờ kè đoạn từ cầu La Khê đến cầu Am của dự án kênh La Khê
Sáng 15-8, Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội – Đơn vị bầu cử số 10 đã giám sát chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông.
Thời gian qua quận Hà Đông đã đánh giá hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường nổi cộm, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các cơ sở có nguồn thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, tình hình phát sinh chất thải,… Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn quận.
Để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong Nhân dân, quận Hà Đông đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về môi trường đến các cán bộ công chức, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kết quả điều tra, khảo sát về tình hình phát sinh chất thải trên địa bàn quận Hà Đông năm 2023, khối lượng rác thải thu gom, vận chuyển đạt được khoảng 490 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác thải trong ngày đạt 100%. Hiện trên địa bàn quận có 2 đơn vị thu gom rác thải là Công ty Môi trường Đô thị Hà Đông và Công ty Nam Hà Nội.
Các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và phối hợp của UBND các phường thu dọn, vận chuyển phế thải, rác thải tồn đọng, phát sinh về nơi tập kết đúng quy định. Thực hiện quét đường bằng phương tiện cơ giới với chế độ 2 ca/ngày và thu gom, vận chuyển lên bãi xử lý rác Nam Sơn – Sóc Sơn.
Tuy nhiên, trên một số tuyến đường, khu đất trống vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng, đổ trộm phế thải xây dựng, rác sinh hoạt cồng kềnh.
Theo báo cáo của quận cũng như phản ánh của đại diện một số phường như: Dương Nội, Yên Nghĩa, La Khê, rác xuất hiện khu vực đất đang làm trên đường Ngô Quyền tại kênh mương tiêu thoát nước phía Tây Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); khu đất trống của Đa Sỹ (Kiến Hưng), Yên Nghĩa, Mộ Lao, Hà Cầu, khu vực giáp gianh giữa phường Dương Nội với các địa phương khác…
Trên địa bàn quận còn có 3 cụm công nghiệp, trong đó 2 cụm công nghiệp là Yên Nghĩa và Biên Giang vẫn đang hoạt động. Do đó, có một số cơ sở kinh doanh, sản xuất chưa tuân thủ Luật Môi trường, xả thải ra môi trường. Thời gian qua, quận đã kiểm tra, xử phạt 4 cơ sở với số tiền trên 1,27 tỷ đồng.
Tại hội nghị, một số phòng, ban chuyên môn của quận Hà Đông nêu ý kiến, cần phân loại rõ những loại rác thải để chỉ rõ trách nhiệm cấp quản lý của phường hay của các công ty dịch vụ môi trường.
Đối với công tác bàn giao hạ tầng một số khu đô thị, thời gian qua quận Hà Đông đã mời các chủ đầu tư để bàn bạc thống nhất bàn giao từng khu đô thị. Các khu đô thị chưa bàn giao thì chính quyền phường vẫn phải theo sát thực tế để quản lý dân cư trên cơ sở đó quản lý những vấn đề về môi trường, tập trung vào việc kiểm tra, xử phạt nặng những trường hợp thiếu ý thức.
Thay mặt Tổ đại biểu số 10, ông Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận uỷ Hà Đông đã đánh giá sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành trên địa bàn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, tồn tại như báo cáo và chưa thể giải quyết triệt để như một số ý kiến đã nêu.
“Qua buổi làm việc, các ý kiến đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương và quận Hà Đông, yêu cầu các địa phương cũng như UBND quận tập trung chỉ đạo, đưa ra các giải pháp quản lý cụ thể hơn để giải quyết có hiệu quả, không để tình trạng đốt rác, đổ trộm rác thải như hiện nay. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền cấp trên Tổ đại biểu sẽ báo cáo, đề nghị TP xem xét, hỗ trợ, nhằm xây dựng Hà Đông xanh-sạch-đẹp-văn minh-hiện đại”, ông Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.
Minh Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị