Quận Ba Đình: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Quận Ba Đình: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Trước diễ biến phức tạp của cơn bão số 3, Quận uỷ Quận Ba Đình đã ra thông báo số 1206TB/QU ngày 6/9/2024 kết luận của Thường trực Quận ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn quận Ba Đình.
Thông báo nêu rõ: Thực hiện Điện của Thường trực Thành ủy ngày 06/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn Thành phố, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại buổi kiểm tra về công tác phòng chống cơn bão số 03 trên địa bàn quận ngày 06/9/2024 và Công điện số 11/CĐ-UBND, ngày 06/9/2024 của UBND Thành phố, Thường trực Quận ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị quận khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 3 theo tinh thần “Sâu hơn, kỹ hơn, thực chất hơn”, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện số 86/CĐ-TTg, ngày 03/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg, ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Điện của Thường trực Thành ủy ngày 06/9/2024, Công điện số 10/CĐ-UBND, ngày 04/9/2024, Công điện số 11/CĐ-UBND, ngày 06/9/2024 của UBND Thành phố, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với quận Ba Đình, Công văn số 1986-CV/QU và Công văn số 1987-CV/QU, ngày 05/9/2024 của Quận ủy Ba Đình cùng các văn bản liên quan về công tác phòng chống thiên tai, mưa bão, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3. Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và Nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là. Qua đó, đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như ven sông Hồng, bệnh viện, trường học, chung cư cũ, nhà cao tầng, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
3. Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” thực chất cao theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Các cơ quan, đơn vị chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống mưa bão.
4. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận, các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ quận, cấp ủy các TCCS Đảng chủ động nắm sát tình hình bão để tập trung kịp thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
– Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ đế các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; đặc biệt thực hiện nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan có thẩm quyền về việc ứng phó khi có bão xảy ra.
– Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, có biện pháp khắc phục kịp thời các điểm úng ngập nhất là các khu vực, tuyến đường ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lụt xảy ra trên địa bàn.
– Kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn việc cung cấp điện và kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra.
– Theo dõi sát tình hình bão, lụt, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
– Xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ, nhag tạm có nguy cơ sụp đổ, các khu vực ngập sâu để di chuyển đến nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, nơi kiên cố, an toàn. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức rà soát, kiểm tra công tác cắt tỉa hệ thống cây xanh, kịp thời xử lý cây gãy, đổ khi có bão xảy ra, đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với các công trường xây dựng, phải tạm dừng thi công, đồng thời rà soát, xử lý các công trình mái che, mái vẩy sai quy định, các khu vực có biển quảng cáo tấm lớn và các yếu tố có nguy cơ như mái tôn, bồn nước inox, chậu cây trên các nhà cao tầng…, để có biện pháp chằng, chống, đảm bảo an toàn mưa bão.
– Triển khai kịp thời phương án khắc phục hậu quả do cơn bão số 03 gây ra, nhất là công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ, đảm bảo an dân, an sinh, an ninh, an toàn. Theo dõi số lượng khách du lịch, thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để chủ động ứng phó.
5. Ban Tuyên giáo Quận ủy phối hợp UBND quận thường xuyên cập nhật, thông tin về diễn biến của cơn bão và sự chỉ đạo công tác phòng, chống bão của các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, không ra khỏi nơi cư trú khi không thật sự cần thiết.
6. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo, tố chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất. Có thế hoãn các cuộc họp, hội nghị, sự kiện không cần thiết đế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Đơn vị nào đế xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy.
7. Tổ công tác phụ trách theo dõi các TCCS Đảng chủ động bố trí thời gian trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn.
8. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị phân công lãnh đạo và các lực lượng chức năng ứng trực nghiêm túc 24/24, định kỳ trước 9h00 hằng ngày báo cáo tình hình công tác phòng, chống bão, lụt trên địa bàn, cơ quan, đơn vị mình về Quận ủy, UBND quận, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận để tổng hợp báo cáo Thành phố theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị