Quần áo chưa đạt chuẩn có thể gây ung thư: Làm sao để nhận biết?
Những bộ trang phục có màu sắc sặc sỡ hầu hết đều được tạo nên bởi màu nhuộm quần áo công nghiệp. Trong đó, có rất nhiều loại thật sự độc hại, điển hình là Azo.
Quần áo có màu sắc sặc sỡ hầu hết được tạo nên từ màu nhuộm công nghiệp.
Azo khi tiếp xúc với da sinh ra hợp chất amine gây ung thư. Màu nhuộm quần áo chế tạo từ các hợp chất Azo có thể thâm nhập vào cơ thể, phân hủy trong hệ trao đổi chất và sinh ra chất Aromatic amine. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nhóm hợp chất hữu cơ có cấu trúc thơm và nhóm thế là amine thường có độ pH lớn hơn 7, khi tiếp xúc với nồng độ cao sẽ gây dị ứng da.
Khi nồng độ cao hơn giới hạn cho phép, người sử dụng tiếp xúc lâu dài với các amin thơm vì có phản ứng phân hủy khử của các hợp chất Azo nên có thể gây ra nguy cơ ung thư. Các nguồn phơi nhiễm của chất này rất rộng, tác động đến cả người thực hiện, tiêu dùng và người sống trong vùng có chất này phát tán.
Ngoài ra, trong màu nhuộm quần áo Azo, nhiều nhà sản xuất còn sử dụng chất formaldehyde để diệt khuẩn, nấm mốc trên vải và xử lý trong quá trình dệt nhuộm. Hợp chất này có thể gây ra tình trạng ngứa da, dị ứng, nổi mẩn đỏ… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Dùng quần áo kém chất lượng có thể bị dị ứng thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bệnh ung thư.
Vì vậy, nếu không cẩn trọng trong việc lựa chọn trang phục có thể tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe như dị ứng da, lâu dài là ung thư. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may (QCVN 01: 2017/BCT). Quy chuẩn này quy định về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may trước khi đưa ra thị trường Việt Nam.
Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này; gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo các quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mẫu tem CR được gắn trên quần áo đã được hợp quy.
Như vậy, các sản phẩm dệt may, quần áo, khăn choàng, găng tay, phụ kiện dệt may… đều phải được công bố hợp quy trước khi lưu hành trên thị trường để đảm bảo tính an toàn của sản phẩm. Trên tem nhãn sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy sẽ được gắn nhãn CR để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết. Ngoài việc lựa chọn trang phục, đồ dệt may theo mẫu mã, kiểu dáng người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được hợp quy để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Việt Hoàng