Quả núi trắng như tuyết sừng sững giữa đồng bằng xanh tươi: Không ngờ là bãi rác khổng lồ
Quả núi trắng như tuyết sừng sững giữa đồng bằng xanh tươi: Không ngờ là bãi rác khổng lồ
Theo dõi MTĐT trên
Dù đứng ở bất kỳ đâu tại thị trấn Herringen bạn cũng có thể nhìn rõ núi Monte Kali.
Ở thị trấn Herringen, miền Trung nước Đức, có một đống natri clorua (muối ăn) khổng lồ, lớn đến nỗi nó được gọi là Monte Kali. Đây là núi muối nhân tạo lớn nhất thế giới.
Nguồn gốc của Monte Kali có thể bắt nguồn từ năm 1976, khi muối kali bắt đầu được khai thác từ các mỏ xung quanh thị trấn Hessen. Trước đó, kali được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như xà phòng và thủy tinh, nhưng ngày nay nó là một thành phần quan trọng trong một số loại phân bón, cao su tổng hợp và thậm chí một số loại thuốc, vì vậy trong vài thập kỷ qua, việc khai thác được tăng cường.
Có một vấn đề là việc khai thác kali tạo ra rất nhiều natri clorua, như một sản phẩm phụ, vì vậy cần một nơi nào đó để lưu trữ nó. Khi ấy, công ty điều hành các mỏ khai thác kali bắt đầu tính đến chuyện đổ tất cả số muối này đến cùng một địa điểm cách Herringen vài km.
Để rồi, qua nhiều năm, họ đã tạo ra một núi muối khổng lồ mà người dân địa phương đặt tên là Monte Kali hoặc Kalimanjaro (cách chơi chữ của từ Kalisalz, trong tiếng Đức có nghĩa là ‘kali’).
Tính đến năm 2017, Monte Kali đã đạt đến độ cao 530 mét so với mực nước biển và có diện tích hơn 100 ha, vì vậy không ngoa khi gọi nó là núi nhân tạo lớn nhất thế giới.
Dù đứng ở bất kỳ đâu tại thị trấn Herringen, bạn cũng có thể nhìn rõ núi muối Monte Kali, hoặc thậm chí, khi lái xe trên đường cao tốc người ta cũng có thể bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ của nó. Lâu dần nó đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Nhiều người cảm giác thích thú khi được chiêm ngưỡng ngọn núi làm từ muối trắng như tuyết nổi bật giữa vùng đồng bằng xanh tươi.
Trên thực tế, tại một thời điểm, mọi người có thể trả tiền để leo lên núi muối khổng lồ này, như một phần của chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Trung bình, một người mất khoảng 15 phút để đi lên đến đỉnh rộng 23ha. Từ đỉnh núi, du khách có thể quan sát toàn bộ Thung lũng Werra cho đến tận Rhön và Rừng Thuringian.
Mặc dù rất khó để ước tính Monte Kali bao gồm bao nhiêu muối, nhưng đa số các nguồn thông tin đều cho biết khối lượng hiện tại của nó vào khoảng 236 triệu tấn.
Quả núi khổng lồ này có diện tích bằng 114 sân bóng đá và nặng bằng 23.600 tháp Eiffel cộng lại. Với hơn 1.000 tấn muối ăn được thêm vào mỗi giờ trong ngày – khoảng 7,2 triệu tấn một năm – quả núi này đang ngày càng lớn hơn rõ rệt.
Một ngọn núi muối có kích thước như thế này ở trung tâm nước Đức, gần các khu rừng và sông Werra, đặt ra một số câu hỏi về môi trường. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đống muối ngày càng tăng, đồng thời tạo ra nhiều nước muối, đã khiến dòng sông Werra bị nhiễm mặn, các mạch nước ngầm trong khu vực cũng không tránh khỏi số phận tương tự.
Trong số 60 đến 100 loài động vật không xương sống từng sinh sống ở khu vực xung quanh Herringen, đến nay chỉ còn lại 3 loài.
Điều này có thể được mô tả là một thảm họa môi trường, nhưng ngành công nghiệp phân kali thực sự lớn trong khu vực, tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân trong vùng, vì vậy việc đóng cửa sản xuất không thực sự được xem là một lựa chọn cho các nhà chức trách.
Kali und Salz (K+S), công ty điều hành các mỏ, đã được gia hạn giấy phép đến năm 2060 và thậm chí yêu cầu mở rộng Monte Kali thêm 25 ha đã được phê duyệt vào năm 2020.
Nếu bạn đang thắc mắc làm thế nào mà công ty K+S có thể đổ được hơn 1.000 tấn natri clorua vào Monte Kali mỗi giờ, thì thực ra họ có một băng chuyền dài 1,5km, không cần sử dụng đến sức người.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị