Quá hạn phải lắp thiết bị báo cháy từ xa, nhiều chung cư vẫn ‘án binh bất động’
Việc lắp đặt thiết bị giám sát, truyền tin tự động qua mạng tới Cục Cảnh sát PCCC &CNCH về tình trạng của hệ thống phòng cháy, cũng như sự cố cháy nổ là quy định mới của Bộ Công an. Hạn lắp đặt thiết bị này đã qua, quy định xử phạt cũng đã có hiệu lực nhưng hầu hết các chung cư được phóng viên khảo sát đều chưa lắp đặt, thậm chí, ban quản trị chưa nghe nói về quy định này.
“Chưa thấy ai yêu cầu”
Theo Thông tư 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an, vào ngày 20/02/2023 vừa qua, tất cả những công trình có nguy cơ cháy nổ thuộc diện cơ quan công an phải quản lý (có danh mục loại công trình được công bố) phải được trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố và cập nhật thông tin về hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố – Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07).
Thiết bị truyền tin báo sự cố này được hiểu đơn giản là một thiết bị có thể truyền tin qua điện thoại, gắn vào hệ thống PCCC của cơ sở. Thiết bị này sẽ truyền tin thường xuyên đến các điện thoại được cài đặt về tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy. Khi xảy ra cháy, thiết bị này cũng tự động gửi cảnh báo qua mạng đến những nơi cần thiết. Đây được coi là bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào PCCC.
Một tủ báo cháy chưa lắp đặt thiết bị truyền tin, báo cháy tự động qua mạng. |
Trong danh mục các công trình có nguy cơ cháy nổ cao do cơ quan công an quản lý (chung cư, trụ sở của cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, siêu thị…) thì chung cư là loại công trình phải lắp đặt trước tiên. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên những ngày qua, hầu hết các chung cư đều chưa lắp đặt.
Ví dụ, tại chung cư IEC (đường Trần Thủ Độ, huyện Thanh Trì, Hà Nội), chung cư Thăng Long Victory (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và chung cư An Bình (232 đường Phạm Văn Đồng (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)…, ban quản trị đều cho biết chưa lắp đặt hệ thống truyền tin sự cố phòng cháy này. Đại diện ban quản trị các chung cư này cũng cho hay, họ không được các cán bộ PCCC hay công an phường, quận nhắc nhở, giới thiệu.
Giải quyết nỗi lo tủ báo cháy không hoạt động
Theo thống kê, trong 5 năm (từ 2017 – 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ, sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Những vụ việc cháy nổ chung cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng luôn để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Đơn cử, vụ cháy chung cư mini ngày 31/3/2022 ở ngõ 60 đường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến cho 1 người chết, 5 người bị thương. Mới đây, đêm 2/2/2023, phòng ngủ căn hộ 2414 tòa nhà HH3C- chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, may mắn không thiệt hại về người khi lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) có mặt kịp thời đưa 120 người thoát nạn.
Cột khói đen bùng phát tại tòa chung cư Golden Westlake Hà Nội. |
Nguyên nhân các vụ cháy tại chung cư thường là do chập điện, hệ thống chuông báo cháy không hoạt động, hệ thống báo khói và đầu phun nước tự động của chung cư không có tác dụng, đèn chiếu sáng để hướng dẫn thoát hiểm cũng không hoạt động… Vì vậy, việc nắm bắt về tình trạng hoạt động của hệ thống phòng cháy, báo tin nhanh khi có sự cố nhờ thiết bị truyền tin sự cố bằng công nghệ mới nêu trên sẽ rất cần thiết.
Ông Đinh Quang Thúy, 50 tuổi, ở tòa nhà HH4C, chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất mong đợi khi nghe về hệ thống truyền tin báo sự cố này. Theo ông Thúy, nhiều vụ cháy ở chung cư Linh Đàm là do lực lượng phòng cháy chưa nhận thông tin kịp thời, hệ thống báo cháy ở tòa nhà “hay báo cháy ảo”, gây khó cho việc xác định cháy. Nếu hệ thống mới có sự giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC hiện hữu, cùng với thông tin nhanh và chính xác, ông Thúy cùng gia đình an tâm hơn.
Đồng quan điểm, anh Đào Văn Tuấn, 45 tuổi, chung cư Sky City Tower ở 88 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Áp dụng công nghệ vào công tác PCCC là điều cần thiết. Việc biết hệ thống lỗi ở đâu để khắc phục, đảm bảo hệ thống PCCC của tòa nhà luôn hoạt động tốt là rất quan trọng vì con người không thể kiểm tra thường xuyên”.
Quy định xử phạt đã có hiệu lực Điều 43, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022) quy định về khai báo cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy và truyền tin báo sự cố. Trong đó, điều khoản này quy định: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cập nhật không đúng, không đầy đủ cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên thiết bị truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật. 3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 3 Điều này; Buộc duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của thiết bị truyền tin báo sự cố đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. |
Nguồn: Báo xây dựng