Quà của lũ!
Quà của lũ!
Theo cái hẹn muôn đời, mùa nước lũ đã tràn về đồng bằng châu thổ để tắm mát cho mảnh đất phù sa quanh năm trái ngọt cây lành.
Theo thời gian, lũ dần thay đổi, nhưng sản vật mùa nước nổi vẫn là món quà quý mà mẹ thiên nhiên ban tặng, nhắc nhở chúng ta về phong vị của quê hương.
Những ngày này, dọc theo mấy cánh đồng xả lũ, thấy trắng xóa một màu mênh mông của nước. Nước tràn qua bờ ruộng, lấp lánh ánh mặt trời trong buổi ban mai, rồi chấp chới sắc vàng dìu dịu lúc chiều tà. Người dành cả đời sống cùng mùa lũ cảm nhận rõ nét nhất sự đổi thay của mẹ thiên nhiên.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên cùng mùa lũ. Hồi ấy, dân quê tôi ít ai kêu “lũ”, họ chỉ quen với “mùa nước nổi”, hay chân chất nữa là “mùa nước lên”. Đời sống vật chất những năm 90 của thế kỷ trước còn thiếu thốn, nhưng mùa nước nổi thì vô cùng hào phóng. Thời điểm đó, người ta chỉ cần có gạo ăn là yên tâm sống qua mùa lũ, bởi cái thuật ngữ “chim trời, cá nước” còn đúng lắm.
Trong ký ức của tôi, bước sang đầu tháng 5 (âm lịch) thì con nước ngoài sông đã xuất hiện màu đỏ của phù sa. Khi đó, cá linh non xuất hiện ở chợ quê, trong tiếng lèo xèo cười nói của các bà, các mẹ. Tôi không biết cá linh non thời điểm đó thành đặc sản hay chưa, nhưng với đám con nít quê thì nó là món ăn quen thuộc. Cứ thấy chảo cá linh kho ớt bốc khói thơm lừng trong mâm cơm chiều, là biết ngay đã tới mùa nước nổi.
Thời đó, cá linh non đầu mùa dễ kiếm, mà mức giá thì… “rẻ như cá linh”! Những gia đình nghèo nhờ đó mà chế biến đủ món từ loài đặc sản này, nào chiên bột, kho lạt với me, kho khô cho tới nấu canh chua bông súng. Lúc đó, mẹ tôi vẫn còn mua cá linh theo giạ để ủ nước mắm đồng ăn quanh năm, mà giá của chúng thuộc diện bình dân. Chẳng biết tạo hóa có sắp đặt hay không, nhưng sản vật từ mùa nước nổi khi kết hợp với nhau bỗng trở nên đặc biệt. Cá linh non cũng vậy, phải ăn với rau đồng mùa lũ mới thấy hết vị ngon!
Hồi là đứa con nít bì bõm đu theo mấy nhịp cầu tre tập lội, tôi không thích ăn cá linh non cho lắm. Bởi lẽ, ngày nào cũng thấy cá linh trong bữa cơm, ăn riết thành ngán. Rồi lớn lên, lao vào cuộc mưu sinh xuôi ngược, đôi lần được ngồi ăn bữa cơm dân dã với cá linh kho, mới thấy mình may mắn khi được sinh ra ở mảnh đất đầu nguồn sông Cửu Long.
Bây giờ, cá linh non thành đặc sản, mức giá đầu mùa phải đến vài trăm ngàn đồng mỗi ký. Dù có đắt đỏ, người ta vẫn cứ săn tìm để thưởng thức cho bằng được. Đã có lần, khách phương xa đến thăm An Giang nằng nặc đòi ăn cho kỳ được cá linh non. Nhìn những người bạn ở tận xứ Nghệ “non xanh nước biếc” vào đây cứ gật gù với món cá linh kho lạt, tôi cũng thấy vui vui. Hiện tại, cá linh non chỉ to bằng ngón tay út của người lớn, giá bình dân, nên chúng xuất hiện trong thực đơn phục vụ du khách phương xa.
Biết tôi cũng là dân quê lớn lên, nhưng anh bạn thân vẫn cứ hào hứng giới thiệu món cá linh non chiên bột. Mà ngon thật! Thích nhất là cá kho lạt chấm với rau đồng mùa lũ, đặc biệt là bông điên điển. Cái vị vàng tươi chân quê ấy là ký ức một thời thơ ấu của tôi.
Những ngày nước ngập linh binh, mẹ chỉ cần tiện tay với mấy nhánh điên điển cạnh nhà là có thêm món ăn trong bữa cơm đạm bạc. Đó có thể là nồi canh chua đậm đà hay dĩa điên điển xào tép ngon ngọt vị phù sa. Đã có thời, bông điên điển được liệt vào hàng đặc sản. Tuy nhiên, loại cây này đã được trồng nhiều hơn, nhất là giống điên điển Thái có bông quanh năm, nên chúng dễ tìm ở chợ.
Dù vậy, giới sành ăn chỉ thực sự thích điên điển đồng, bởi loại này mỗi năm chỉ có một mùa trong mấy tháng nước tràn đồng. Bông điên điển đồng thơm, ngọt, dùng làm rau ghém ăn với mắm kho, với bún hay bất kể món lẩu nào tùy vào sở thích của thực khách. Hình ảnh các mẹ, các chị bơi xuồng hái bông điên điển với vẻ đẹp chân quê, bình dị giờ cũng hiếm khi gặp. Nếu có, họ xuất phát từ tờ mờ sáng rồi hái thật nhiều đem cân cho bạn hàng ở chợ. “Nghề” hái bông điên điển từng là nguồn thu khá cho lao động nông nhàn ở quê trong mùa lũ.
Theo thời gian, mùa nước nổi không còn phong phú sản vật như xưa, nhưng cá đồng, rau đồng vẫn còn tồn tại trong bữa ăn của người dân quê. Những sản vật đó dù mộc mạc, đơn sơ nhưng vẫn là quà của lũ, nhắc về ký ức tuổi thơ cùng những tình cảm gắn bó với chốn quê nghèo, mỗi khi con nước phù sa tràn về tắm mát cho đồng bằng châu thổ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị