QCVN08:2020/BCT – Giới hạn hàm lượng chì trong sơn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng

Chì là kim loại nặng (Pb) được dùng trong sơn để làm giảm vết nứt bề mặt và tăng độ đậm đặc của bề mặt màng sơn, chì còn làm cho màu sơn trở nên bóng hơn. Ngoài ra chì còn có tác dụng làm cho sơn khô nhanh và chống lại sự phong hóa của môi trường. Chì trong sơn trở nên rất nguy hiểm sau thời gian dài sử dụng, bề mặt sơn bị lão hóa dẫn đến màng sơn bị nứt, bong tróc. Bụi từ màng sơn, bề mặt sơn mài nhám dẫn đến gia chủ dễ hít phải bụi độc. Trẻ nhỏ thường có thói quen cắn đồ chơi và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật, nội thất xung quanh.  

Vấn đề nhiễm độc chì do sơn nổi cộm ở các nước phát triển cách đây 30 năm, nhiều người đã bị nhiễm độc, kể cả trẻ em khi hít phải các sơn chứa chì bong tróc ra từ những ngôi nhà cũ kỹ sau nhiều năm đi vào sử dụng. Chính vì thế, hiện nay các quốc gia phát triển đã kiểm soát rất chặt chẽ các dạng sản phẩm sơn chứa chì và tiến hành thay thế gần như tất cả các sản phẩm nguy hại này. Phơi nhiễm chì đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê là một trong 10 triệu chứng hàng đầu của “chậm phát triển trí tuệ” với những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trẻ em, do những yếu tố môi trường. Phơi nhiễm chì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn mà nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến trẻ em, phụ nữ mang thai và lây truyền từ mẹ sang con qua đến đường sữa.

Các sản phẩm sơn có chứa hàm lượng chì cao cần phải sớm được loại bỏ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có con số chính xác về vấn đề sơn có chì và cần thiết cần có những số liệu báo cáo chính thức để kịp thời ứng phó. Trong khi đó, tại một số quốc gia trên thế giới đã có những khảo sát để biết được tỉ lệ sơn có chì là bao nhiêu, ví dụ ở Trung Quốc, Ấn Độ có đến hơn 70% sản phẩm sơn có chì; Malaysia là hơn 50%; Singapore gần 10% sản phẩm sơn có chì…

Trước những tác hại trên, QCVN08:2020/BCT – Giới hạn hàm lượng chì trong sơn được ban hành nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dùng trước khi mua/bán, sử dụng những sản phẩm sơn hiện có trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về sơn chì có hiệu lực sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng để loại bỏ một trong những mối đe doạ phổ biến nhất về nhiễm độc chì đối với người tiêu dùng.

Lợi ích của doanh nghiệp khi tuân thủ QCVN08:2020/BCT – Giới hạn hàm lượng chì trong sơn

Khi doanh nghiệp tuân thủ QCVN08:2020/BCT – Giới hạn hàm lượng chì trong sơn, các thông số kỹ thuật sẽ được đáp ứng một cách vô cùng đầy đủ, theo đó chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo, phù hợp với quy định của Nhà nước và pháp luật hiện hành khi lưu thông trên thị trường.

Thêm vào đó, doanh nghiệp đáp ứng quy chuẩn còn có gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, có căn cứ, giấy tờ đầy đủ để tiến hành quảng cáo, truyền thông,… tiếp cận người tiêu dùng một cách chính xác và có cơ sở. Đảm bảo danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp trong thương trường.

Khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn sản phẩm sơn được chứng nhận hợp quy chuẩn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe giữa hàng loạt các sản phẩm sơn khác chưa được kiểm định khác.

Thông tư quy định QCVN08:2020/BCT – Giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) hàm lượng chì trong sơn nên ở ngưỡng là ≤ 90ppm sẽ đảm bảo yêu cầu an toàn đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Phillippines, Nepal, Bangladesh, Israel, Jordan, Kenya, Cameroon,… đã thực hiện theo khuyến cáo này của WHO. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần sớm thực hiện đồng bộ và duy trì bởi trẻ em trong nước vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương suốt đời và không thể phục hồi do tiếp xúc với chì trong sơn. Do đó, các sản phẩm sơn có chứa hàm lượng chì cao cần phải sớm được loại bỏ ở Việt Nam. Ngoài ra, trước khi được buôn bán, lưu thông ngoài thị trường, những sản phẩm sơn cần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đảm bảo an toàn đối với sức khỏe tiêu dùng.

Khánh Mai (t/h) 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích