Qatar hướng tới sự kiện bóng đá trung hòa carbon lớn nhất hành tinh
(Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 15/11, nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar cho biết trong thời gian diễn ra giải đấu, nước này sẽ tính lượng khí thải từ các chuyến bay hằng ngày chở người hâm mộ giữa các tiểu vương quốc vùng Vịnh vào tổng lượng khí thải carbon của sự kiện.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, Bộ trưởng Môi trường Qatar Sheikh Faleh bin Nasser bin Ahmed bin Ali Al Thani thông báo nước này sẽ tính toán lượng khí thải của các chuyến bay hằng ngày.
Ông Sheikh Faleh khẳng định chắc chắn nước chủ nhà World Cup 2022 sẽ “dẫn đầu tiêu chuẩn” khi đạt được mục tiêu tổ chức một sự kiện thể thao thân thiện với môi trường.
Qatar là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về khí thiên nhiên hóa lỏng. Năm ngoái, vương quốc này đã đề ra kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Cũng tại hội nghị COP27, ông Sheikh Faleh tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ tiếp tục hành động để hiện thực hóa những mục tiêu tham vọng này.
World Cup 2022 tại Qatar khai mạc ngày 20/11 tới dự kiến sẽ là lần đầu tiên sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh hướng tới nỗ lực trung hòa carbon nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo hãng AP, đây được xem là tuyên bố táo bạo của chủ nhà Qatar, quốc gia đã dành 12 năm qua xây dựng thêm nhiều sân vận động thi đấu và cơ sở hạ tầng để có thể đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá đáng mong đợi.
Trên vùng đất nhỏ hơn bang Connecticut (Mỹ) với dân số khoảng 3 triệu người, Qatar có rất ít điều kiện cần để hiện thực hóa giấc mơ World Cup không phát thải. Tuy nhiên, nước này đã lên kế hoạch xây dựng 7 sân vận động đón 1 triệu lượt khách nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng chúng sẽ không đóng góp bất kỳ lượng CO2 nào vào bầu khí quyển.
Theo một báo cáo chính thức dự kiến lượng khí thải của sự kiện, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và các nhà tổ chức Qatar ước tính World Cup 2022 sẽ gây ra khoảng 3,6 triệu tấn CO2 do các hoạt động liên quan đến các trận đấu từ năm 2011-2023. Theo dữ liệu của World Bank, con số này chiếm khoảng 3% tổng lượng khí thải 115 triệu tấn của Qatar vào năm 2019.
Báo cáo của Qatar và FIFA cho rằng nguồn phát thải lớn nhất sẽ là du lịch, chủ yếu là các chuyến bay từ nước ngoài, chiếm 50% tổng lượng khí thải. Hoạt động xây dựng các sân vận động và địa điểm tập luyện cũng như việc vận hành của các cơ sở này sẽ chiếm 25%.
Các khách sạn cũng như các cơ sở lưu trú khác trong 5 tuần, trong đó có cả các tàu du lịch mà Qatar thuê làm khách sạn nổi, cũng sẽ tạo ra 20% lượng khí thải./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô